Liên kết website

Bắc Kạn: Đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở

22/02/2011

Sau 4 năm thực hiện Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 06/9/2006 của UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/2000/CT-UB ngày 26/5/2000 về việc đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả sau:

            Đối với công tác chỉ đạo, công tác hòa giải cơ sở UBND tỉnh đã thường xuyên ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung quan trọng về công tác này như: Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 10/04/2006 của UBND tỉnh về việc quy định mức chi kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động hoà giải; văn bản số 766/UBND-NC ngày 23/4/2008 về việc hướng dẫn tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; tổ chức thành công Hội thi hoà giải viên giỏi tỉnh lần thứ II…

            Công tác củng cố, kiện toàn và xây dựng tổ hòa giải luôn được quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở kết quả xây dựng các tổ hoà giải những năm trước đây (thời điểm năm 2006, toàn tỉnh có 1.391 tổ hoà giải/1.390 thôn, bản tổ phố với 6.174 hoà giải viên), hàng năm, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tiến hành rà soát, thống kê số tổ hoà giải và hoà giải viên; kịp thời bổ sung, thay thế đối với những tổ hoà giải có biến động về tổ chức hoặc hoạt động không hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh có 1.404 tổ hoà giải/1.405 thôn, bản, tổ phố, với 6.327 hoà giải viên (tăng 153 hoà giải viên so với năm 2006), với cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng thôn, bản, tổ phố kiêm Tổ trưởng Tổ hoà giải và các thành viên khác như Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi của thôn, bản, tổ phố.

            Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 40 tổ hoà giải điển hình tiên tiến. Qua triển khai thực hiện, hầu hết các tổ hoà giải được lựa chọn xây dựng đều đạt tiêu chuẩn đã đề ra, duy trì hoạt động tốt, kết quả các vụ việc hòa giải đạt tỷ lệ cao như 4 xã là đơn vị thực hiện điểm của huyện Na Rì (Lam Sơn, Văn Học, Lương Hạ, Kim Lư) đạt 100%. Đa số các tổ hòa giải đều biết vận dụng kiến thức pháp luật vào giải quyết vụ việc một cách hợp lý, hợp tình không để vụ việc đơn giản biến thành vụ việc phức tạp và ngăn ngừa, hạn chế được những vi phạm pháp luật.

            Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 200 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho 12.000 hoà giải viên tham dự. Các nội dung được tập trung phổ biến cho hoà giải viên bao gồm: Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Toàn tỉnh đã biên soạn 1.500 cuốn sổ tay hoà giải, in sao băng casset, đĩa CD về các tình huống hoà giải; cấp phát hàng nghìn bộ đề cương văn bản pháp luật mới, hàng chục nghìn tờ gấp; 16.000 cuốn Bản tin tư pháp và gần 50.000 cuốn tài liệu hỏi - đáp pháp luật.

            Tổng số vụ, việc nhận hoà giải trên toàn tỉnh 4 năm qua gồm 4.952 vụ, việc. Trong đó, tổng số vụ, việc hoà giải thành là 4.076, đạt tỷ lệ 83%; số vụ, việc hoà giải không thành 811; số vụ việc đang hoà giải 65.

            Công tác thi đua, khen thưởng, sơ kết, tổng kết hoạt động hòa giải ở cơ sở được quan tâm. Sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận duy trì thường xuyên. Ngày 29/10/2009, Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ký Kế hoạch liên ngành số 198/KHLN-STP-UBMTTQ về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở. Trên cơ sở Kế hoạch liên ngành, các thành viên Ban công tác Mặt trận nhiệt tình tham gia vào công tác hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng hòa giải.

            Nhìn chung, công tác hoà giải cơ sở sau 4 năm thực hiện Kế hoạch số 134/KH-UBND đã có những chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp chính quyền cơ sở đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và tầm quan trọng của công tác hoà giải cơ sở, do vậy, đã quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải và bố trí kinh phí cho công tác tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu nâng cao kiến thức pháp luật và trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên.

            Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đạt được công tác hòa giải còn gặp một số khó khăn như: Tổ chức và đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ theo dõi hướng dẫn quản lý công tác hòa giải ở cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện chưa được củng cố kiện toàn ngang tầm nhiệm vụ; năng lực chuyên môn của cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở một số xã còn hạn chế; việc lưu trữ, thống kê vụ, việc hòa giải chưa đi vào nề nếp; kinh phí đảm bảo cho công tác hoà giải còn hạn chế.

            Để công tác hòa giải trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với hoạt động hoà giải cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của cơ quan Tư pháp các cấp trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; định kỳ hàng năm, có kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao kiến thức pháp luật và cấp phát tài liệu thường xuyên cho đội ngũ hoà giải viên; đặc biệt cần quan tâm bố trí kinh phí cho công tác hòa giải./.

            Nguyễn Kim Thoa

Các tin đã đưa ngày: