Liên kết website

An Giang – Việc lưu trữ và thực hiện tốt quy ước trong thời gian tới là rất cần thiết

09/09/2015

Thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở An Giang luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương quan tâm chỉ đạo và được người dân hưởng ứng thực hiện.

 

           

Ngày 10/7/2012 Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND quy định về nội dung, trình tự, thủ tục xây dựng, thực hiện quy ước của khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang. Trên cơ sở đó, ngày 03/10/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND về việc ban hành quy ước mẫu của khóm (ấp) trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên giám sát công tác xây dựng hương ước, quy ước. Thông qua hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã có sự vào cuộc quyết liệt hơn để tiến tới việc xây dựng quy ước trên 100% khóm, ấp. Công tác phối hợp cũng được các ngành quan tâm, thể hiện qua việc ban hành Kế hoạch phối hợp số 25/KHPH-STP-SVHTTDL-UBMTTQVN ngày 16/4/2015  giữa Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng, thực hiện quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang;Kế hoạch số 516/KHPH-SLĐTBXH-SVHTTDL ngày 21/4/2015 về thực hiện mô hình “Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới” đã góp phần bổ sung các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình vào trong quy ước tại cộng đồng dân cư.

An Giang có 156 xã, phường, thị trấn với tổng số 888 khóm, ấp. Tính đến hết tháng 6/2015, trên địa bàn tỉnh có 821/888 khóm, ấp đã xây dựng  được quy ước, trong đó có 679 quy ước đã được phê duyệt theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND. Có 6/11 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành xong việc xây dựng quy ước. Bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn và bảo vệ các phong tục truyền thống tốt đẹp, bài trừ các tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội… thường là những vấn đề được điều chỉnh bởi quy ước khóm, ấp. Đây là những vấn đề phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua, phù hợp với phong tục tập quán trên địa bàn và các quy định của pháp luật nên được người dân tự giác chấp hành, các phong tục lạc hậu được hạn chế tối đa. Có thể nói rằng, quy ước khóm, ấp là công cụ phục vụ đắc lực cho việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và là công cụ hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh An Giang, giúp phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc, đồng thời tạo cơ chế duy trì an ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, giải quyết những mâu thuẫn nhỏ ở cộng đồng dân cư… Vì vậy, việc lưu giữ và thực hiện tốt quy ước trong thời gian tới tại địa bàn tỉnh An Giang là rất cần thiết.

                                                                      Lê Nguyên Thảo

Các tin đã đưa ngày: