Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường
Ngành Giáo dục Vĩnh Phúc đã tiến hành khảo sát, đánh giá đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL ở các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục. Hiện nay có 80 giáo viên dạy chính trị của 16 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; 63 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại 38 Trường trung học phổ thông (trong đó, 59 giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn, đạt chuẩn chiếm 92%); 102 giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại 146 trường trung học cơ sở (trong đó, 61 giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn, đạt chuẩn chiếm 59,8%).
Hàng năm UBND tỉnh đều tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ quản lý công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, cán bộ phụ trách công tác Đoàn; Sở giáo dục và đào tạo phối hợp với Ban tuyên giáo tỉnh uỷ tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị cho 172 cán bộ quản lý trong ngành.
Trong năm học 2009-2010, 100% giáo viên dạy chính trị tại các trường chuyên nghiệp dự bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên chính trị do Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức. Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên THCS, giáo viên THPT dạy môn giáo dục công dân về những nội dung cơ bản pháp luật giảng dạy môn giáo dục công dân. Các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến chương trình giáo dục cho mầm non và tiểu học.
Xác định mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh sinh viên, góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành giáo dục Vĩnh phúc đã tổ chức khảo sát, đánh giá chương trình, tài liệu nội dung giảng dạy sách giáo khoa giáo dục pháp luật với từng ngành học, bậc học.
Đối với giáo dục mầm non, ngành giáo dục đã chủ động đưa ra một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… vào các trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo nhằm hình thành một số yếu tố tâm lý ban đầu. Điển hình là trường Mầm non Hoa Hồng tỉnh, trường Mầm non Hoa Hồng Thị xã Phúc Yên…phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh tổ chức thi an toàn giao thông và ghi hình làm tài liệu phổ biến cho các trường mầm non trong toàn tỉnh.
Đối với giáo dục phổ thông, ngành giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học đạo đức ở Tiểu học, môn giáo dục công dân ở THCS, THPT theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật vè an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội…
Đối với giáo dục chuyên nghiệp, tổ chức dạy và học các kiến thức pháp luật cơ bản cho sinh viên của tất cả các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Tổ chức thi học sinh giỏi Chính trị cho các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, 100% các trường chuyên nghiệp tổ chức “tuần sinh hoạt công dân” đầu khoá, cuối khoá.
Ngoài ra Ngành giáo dục đã triển khai có chất lượng các hình thức giáo dục ngoại khoá, các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp. Các nhà trường đã linh hoạt lựa chọn nội dung hoạt động sinh động như thi viết bài tìm hiểu về luật giao thông đường bộ, về tệ nạn ma tuý, mại dâm, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm, vẽ tranh đả kích… thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đặc biệt đã tổ chức triển khai có hiệu quả “Ngày pháp luật” trong các đơn vị trường học.
(Kim Yến- Sở Tư pháp Vĩnh Phúc)