Liên kết website

Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án về nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở năm 2020

13/03/2020

Ngày 11/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 1270/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” (gọi tắt là Đề án 428) trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh, với những nội dung chính sau:

Một là, xây dựng và ban hành Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án 428 trong năm 2020.
Hai là, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc biên soạn, biên dịch, phát hành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; các tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh.
Ba là, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải và hòa giải viên, in và cấp Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở, theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát và kiện toàn lại mạng lưới Tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở phù hợp với hệ thống tổ chức thôn, tổ dân phố đã được Ủy ban nhân dân tỉnh sắp xếp lại theo Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 18/01/2019; đảm bảo về tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần và chất lượng, số lượng không vượt quá 5 hòa giải viên/Tổ hòa giải, Sở Tư pháp in và cấp Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các Tổ hòa giải sau khi kiện toàn.
Bốn là, tổ chức tập huấn phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở, trong đó Sở Tư pháp tổ chức tập huấn phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện theo Chương trình khung của Bộ Tư pháp; Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho 1/3 đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, 2/3 số hòa giải viên còn lại sẽ được tập huấn trong các năm 2021, 2022.
Năm là, thực hiện chỉ đạo điểm tại 05 xã: Xã Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ); phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn); xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành); xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức); xã Ba (huyện Đông Giang) với các hoạt động: Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ (tổ chức các lớp tập huấn, cấp phát tài liệu, tổ chức các diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm...) cho hòa giải viên; hỗ trợ nguồn lực thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp giá trị tài sản lớn, tranh chấp đất đai và các trường hợp vi phạm pháp luật nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do người bị hại tự nguyện hòa giải theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; hỗ trợ huy động nguồn lực xã hội nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên; Các hoạt động khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Sáu là, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở với nội dung số hóa và đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên Cổng thông tin của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trên mạng xã hội facebook, youtube và các mạng xã hội khác ..., các phương tiện phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở; tiếp nhận, xử lý thông tin hai chiều, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, nhất là các vụ việc khó, phức tạp.
Bảy là, huy động nguồn lực từ xã hội hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Tám là, kiểm tra việc thực hiện Đề án, lồng ghép với các hoạt động kiểm tra hằng năm của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật./.
Trương Thị Hạ, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam
Các tin đã đưa ngày: