Liên kết website

Hội nghị trực tuyến Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng

16/07/2020

Sáng ngày 13/7/2020, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng Đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành;đại diện lãnh đạo Thường trực các huyện, thị, thành ủy và đại diện các đơn vị liên quan.

Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân mang tính nhân văn, ít tốn kém và hiệu quả bền vững. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời; không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp.

Đến nay, cả nước có 96.605 tổ chức hòa giải được thành lập ở thôn, tổ dân phố với 600.462 hòa giải viên, số lượng được củng cố, kiện toàn, chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ được nâng cao đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải cở sở. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ việc và hòa giải thành trên 120.000 vụ việc.

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 785 tổ hòa giải/775 ấp, khóm với 4.304 hòa giải viên. Tỷ lệ hòa giải thành, trung bình hàng năm đều tăng cụ thể: 6 tháng đầu năm 2020 các tổ hòa giải đã tiếp nhận tổng số 1761 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1467 vụ việc (đạt tỷ lệ 83.3%).
Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thông qua hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, từ đó hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó,để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các ngành, các cấp cần quan tâm phối hợp thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở. Ngành Tư pháp sẽ triển khai thực hiện tốt Luật Hòa giải cơ sở; kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở và phát huy vai trò truyền thông trong công tác hòa  giải cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về hòa giải ở cơ sở; đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” được ban hành theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Phòng PBGDPL – Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng
Các tin đã đưa ngày: