Liên kết website

Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên tổ chức tập huấn nghiệp vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở năm 2022

21/06/2022

Thực hiện Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của Ngành Tư pháp Hưng Yên năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 18/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Ngày 17/6/2022, Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở cho gần 1.500 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, công chức tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp – hộ tịch và các tổ trưởng tổ hòa giải. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tuyến tại 01 điểm cầu chính và 09 điểm cầu của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã. Đồng chí Nguyễn Đình Chung - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, Tiến sỹ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã giới thiệu khái quát một số nội dung trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; kết quả, hạn chế trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua; các giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới và một số mô hình tổ hòa giải hiệu quả trên cả nước tại Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Bình. Theo Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, để nâng cao hơn nữa vị thế của công tác hòa giải ở cơ sở, ngày càng thu hút những người có kiến thức pháp luật, ý thức trách nhiệm cộng đồng tình nguyện tham gia vào công tác này thì thời gian tới các cấp, các ngành và đặc biệt là cơ quan tư pháp, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Hưng Yên cần thực hiện tốt các giải pháp như: tăng cường nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về trách nhiệm đối với công tác hòa giải ở cơ sở để từ đó bảo đảm kinh phí cho công tác này; đẩy mạnh tuyên truyền với hình thức phù hợp về công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên; ứng cụng công nghệ thông tin vào công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh công tác dân vận và các mô hình dân vận khéo vào hòa giải ở cơ sở.
 
Cũng tại hội nghị, Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã giới thiệu nội dung cơ bản, những điểm mới và việc tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg). Theo đó, so với Quyết định số 619/2017/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg) thì Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có một số điểm mới nổi bật như:
- Về tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định 05 tiêu chí với 20 chỉ tiêu, giảm 05 chỉ tiêu so với Quyết định số 619/2017/QĐ-TTg ngày 08/5/2017, bỏ các chỉ tiêu trùng lặp, không thuộc thẩm quyền của cấp xã; các chỉ tiêu được kế thừa đã có sự chỉnh sửa để phù hợp, đầy đủ, kịp thời với thực tiễn triển khai tại cấp xã.
- Về điều kiện công nhận xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg chỉ quy định tổng số điểm các tiêu chí đạt 80 điểm trở lên, không phân biệt xã loại I, loại II hay loại III. Bên cạnh đó, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg chỉ quy định trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều kiện này khác với Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định trong năm đánh giá không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.
- Về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng tăng thời hạn của cấp xã lên 05 ngày và thời hạn cấp huyện là 15 ngày so với thời hạn được quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg.
 
Bên cạnh đó, hội nghị đã lắng nghe hai báo cáo viên giải đáp vướng mắc của đại biểu tại các điểm cầu về tiêu chuẩn công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thời điểm xác định cán bộ bị xử lý kỷ luật để đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và một số vụ việc hòa giải trong thực tiễn...
  
Hội nghị đã trang bị những nội dung cơ bản của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, để từ đó đội ngũ công chức các cấp sẽ thực hiện tốt hơn công tác tham mưu giúp Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triển khai có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: