Liên kết website

Sóc Trăng: ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

31/07/2013

Để triển khai có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, ngày 06/6/2013 Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Chỉ thị số 01/2013/CT-UBND về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số công tác trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; các Chương trình, đề án về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng năm và từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh.

2. Quan tâm củng cố, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Báo cáo viên cấp tỉnh, huyện; pháp chế các sở ngành, doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật; giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong các trường học; các phóng viên, biên tập viên chuyên đề pháp luật; hòa giải viên… để nâng cao hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng này trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật hợp lý, bảo đảm hiệu quả và thiết thực cho cán bộ và nhân dân, quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến nội dung pháp luật theo chuyên đề, văn bản được ban hành và nhu cầu của từng đối tượng. Đặc biệt, quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp.

4. Phổ biến thường xuyên, kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành, các nội dung pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày cho các đối tượng, phù hợp với từng địa bàn, gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng; kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác hòa giải cơ sở với các cuộc vận động, phong trào quần chúng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động.

5. Nâng cao chất lượng quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị và xã, phường, thị trấn; biên soạn và phát hành các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, …

6. Triển khai thực hiện có hiệu quả “Ngày pháp luật” đảm bảo chất lượng, hiệu quả; từ tháng 7/2013, lấy ngày 09 hàng tháng để sinh hoạt “Ngày pháp luật” nếu ngày 09 trùng vào ngày nghỉ Tết, nghỉ lễ và thứ bảy, chủ nhật thì được quyển sang ngày làm việc hôm sau.

Ngoài ra, Chỉ thị cũng quy định trách nghiệm của các sở, ngành và UBND các địa phương trong việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, là quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở, yêu cầu đến năm 2015, có 50% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 40% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đến năm 2017 có 70% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 70% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tỉnh đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Phạm Tuân

Các tin đã đưa ngày: