Liên kết website

An Giang: Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN về phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ

16/07/2012

 Qua 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nói riêng.

Trong 10 năm thực hiện Chương trình, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được 9.174 cuộc với 575.681 phụ nữ tham dự. Nội dung tuyên truyền là các văn bản quy phạm pháp luật về dân sự; về hôn nhân, gia đình, trẻ em; quyền dân chủ của công dân...

          Hàng năm, Sở Tư pháp xây dựng nội dung chương trình, biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn báo cáo viên, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Ủy ban dân số gia đình và Trẻ em tổ chức triển khai thực hiện, hệ thống các cấp Hội phụ nữ đã lồng ghép thực hiện Chương trình này vào trong sinh hoạt của Hội. Trong 10 năm qua đã tổ chức 48 lớp với 2.090 lượt cán bộ Hội tham dự. Hội Liên hiệp phụ nữ cũng đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức 05 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho thành viên Hội liên hiệp phụ nữ huyện, thị, thành phố với hơn 1.320 lượt người tham dự.

          Bên cạnh đó, toàn tỉnh Hội đã thành lập 48 câu lạc bộ “phụ nữ với pháp luật”, “trợ giúp pháp lý” thu hút 1.415 thành viên tham gia. Riêng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xây dựng mô hình điểm “Tổ phụ nữ trợ giúp pháp lý” tại hai xã điểm vùng dân tộc Khmer là Châu Lăng (huyện Tri Tôn) và An Hảo (huyện Tịnh Biên) với 35 thành viên tham gia.

          Nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ Hội thuận lợi trong công tác lưu trữ tài liệu liên quan đến pháp luật và phục vụ công tác tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ, hàng năm Sở Tư pháp đã hỗ trợ trang bị đầu sách pháp luật mới cho các tủ sách pháp luật. Trong 10 năm qua đã cấp phát cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn 768 đầu sách với 45.126 cuốn. Hiện có 91/156 Hội phụ nữ xã, phường, thị trấn xây dựng tủ sách pháp luật, chiếm tỉ lệ 58.33%.

          Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh biên soạn 225 đề cương, in ấn và cấp phát 1.913.752 tài liệu các loại gồm: 57.250 sách luật, 1.608.583 tờ bướm, 11.777 sổ tay, 40.025 sách nhỏ, 12.852 đĩa CD, 169.125 tập san Bản tin Tư pháp, 14.140 tài liệu khác để cung cấp cho tuyên truyền viên, hội viên ở cơ sở làm tài liệu tuyên truyền.

          Hội cũng cử cán bộ tham gia Ban hòa giải cơ sở ở cấp xã và Tổ hòa giải ở khóm, ấp. Toàn tỉnh hiện có 156/156 xã, phường, thị trấn có Ban hòa giải cơ sở với 1.395 thành viên, trong đó, cán bộ Hội có 156 người là chủ tịch, phó chủ tịch tham gia Ban hòa giải cơ sở.

          Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả cao. Trung tâm Hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã trực tiếp tư vấn và cung cấp thông tin cho 715 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, góp phần hạn chế các cuộc hôn nhân vì mục đích vụ lợi, bảo đảm hôn nhân tiến bộ và hạnh phúc. Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động 227 người, 14.424 lượt; tư vấn pháp luật 15.503 trường hợp, tham gia tố tụng 319 trường hợp, đại diện ngoài tố tụng 04 trường hợp, trợ giúp pháp lý khác 430 trường hợp.

          Nhìn chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ đều nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ kết hợp với hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ được xác định là một trong những nội dung quan trọng của các cấp, các ngành … do đó đã tạo nên được sức mạnh tổng hợp để từng bước thực hiện Chương trình mang lại hiệu quả cao.

Các tin đã đưa ngày: