Liên kết website

Cần tăng cường công tác truyên truyền và triển khai thực hiện Luật an toàn thực phẩm trong thực tiễn cuộc sống

20/07/2012

Tại kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XII, đã thông qua Luật an toàn thực phẩm ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2011. Luật gồm 11 chương, 72 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm, quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục về sự cố an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm và trách nhiệm quản lý nhà nước và an toàn thực phẩm…

 Để triển khai thi hành Luật có hiệu quả, ngày 25/4/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm, đồng thời các bộ: Y Tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương...cũng ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện.

Song, hiện nay thị trường hàng hóa thực phẩm rất phong phú, đa dạng nhưng lại rất phức tạp và liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã đưa tin nhiều vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm, như phát hiện xe chở gia cầm, chân gà không rõ nguồn gốc; xe chở hàng thịt thối, mỡ thối mang đi tiêu thụ; sửa giả, cà phê giả…

Vấn đề an toàn thực phẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong thực tiễn cuộc sống, tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng tinh thần, định hướng mà Luật an toàn thực phẩm đã quy định. Trước hết, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành đến mọi người dân trong cả nước, nhằm nâng cao nhận thức cho họ từ đó thay đổi về hành vi trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.

Thiết nghĩ, bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp và mọi công dân. Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm thật nghiêm để răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta.

(Nguyễn Văn Bảy-Sở Tư pháp Kon Tum)

Các tin đã đưa ngày: