6 tháng đầu năm 2012, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động công tác của mình; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo toàn diện, thống nhất công tác PBGDPL ở các ngành, các cấp. Các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh và UBND 11 huyện, thị xã, thành phố đều đã ban hành kế hoạch tuyên truyền PBGDPL năm 2012. Các kế hoạch tuyên truyền pháp luật được ban hành phù hợp với nhiệm vụ chính trị, đặc thù của từng đơn vị. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PBGDPL được quan tâm thực hiện, trọng tâm là triển khai đồng bộ Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 18/01/2012 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Kế hoạch công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2012; Kế hoạch số 24/KH-UBND, ngày 25/6/2012 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định 409/QĐ-TTg, ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Tổ chức của Hội đồng được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn định kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 210 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 171 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.330 tuyên truyền viên pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2012 các Sở, ngành và Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp đã tổ chức 7.959 cuộc tuyên truyền với trên 955.080 lượt người nghe. Các nội dung pháp luật được tập trung tuyên truyền gồm: Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đất đai, Luật phòng, chống tham nhũng; Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật bảo vệ môi trường, Luật phòng, chống ma tuý, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật giao thông đường bộ, Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan …
Các Sở, ngành đã quan tâm và thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách. Mô hình “Ngày pháp luật” đi vào nề nếp, có chiều sâu và mang lại nhiều hiệu quả tích cực, hình thành thói quen tìm hiểu, học tập và nghiên cứu pháp luật trong cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân.
Công tác hoà giải ở cơ sở ngày càng được quan tâm và chú trọng, toàn tỉnh có 799 tổ hoà giải với 3.959 hoà giải viên, 6 tháng đầu năm 2012 tổng số vụ tiếp nhận là 1.513 vụ, trong đó hòa giải thành là 1.309 vụ (đạt tỷ lệ là 86,51% tăng 2,56% so với cùng kỳ). Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho 11 huyện, thị xã, thành phố số tiền 4.794.000.000 đồng để chi cho hoạt động hoà giải (trung bình 500.000 đồng/tháng/tổ), mức chi vụ việc hoà giải thành là 150.000 đồng/vụ, chi cho hoà giải không thành là 100.000 đồng/vụ, chi văn phòng phẩm là 100.000 đồng/tháng/tổ.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh yêu cầu: Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kiện toàn và nâng cao hiệu quả họat động của Hội đồng phối hợp các cấp, trong đó chú trọng xây dựng và phát triển lực lượng Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật, Hòa giải viên. Các cơ quan chủ trì các đề án theo theo Quyết định 37/QĐ-TTg cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02/2010/CT-UBND ngày 29/12/2010 của UBND tỉnh về tăng cường hiệu quả hoạt động hoà giải trên địa bàn tỉnh. Các thành viên của Hội đồng trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình tích cực trong việc chỉ đạo công tác PBGDPL tại cơ quan, đơn vị và ngành mình phụ trách góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội của địa phương.
Đăng Khoa