Liên kết website

Tọa đàm trực tuyến: Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân, trọng tâm vào nhóm yếu thế

21/07/2021

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ, sáng ngày 21/7/2021, Vụ Phổ biến, giáp dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến nhằm góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Chiến lược nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân, trọng tâm vào nhóm yếu thế. Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Đào Thị Thu An – Quản lý Dự án EU JULE, Chương trình phát triển Liên hợp quốc chủ trì Tọa đàm.

Năm 2019, Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp đã phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tiến hành khảo sát thực trạng nhận thức và hiểu biết pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế, tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… tại 06 tỉnh, bao gồm Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang và Đồng Tháp. Để tiếp nối kết quả khảo sát, trong năm 2020, Bộ Tư pháp tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Dự án EU JULE để xây dựng Báo cáo nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng Chiến lược toàn diện nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân, trọng tâm vào nhóm yếu thế.
Sau khi đại diện nhóm chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế xây dựng Báo cáo trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo nêu trên, Tọa đàm đã nhận được các ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác hoạch định, chính sách pháp luật, nhà quản lý thực tiễn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của một số địa phương. Các ý kiến không chỉ góp phần hoàn thiện dự thảo Báo cáo, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh đưa pháp luật tới người dân, nhóm đối tượng yếu thế . Có thể nói, việc xây dựng Báo cáo đặc biệt có ý nghĩa khi mà hiện nay Bộ Tư pháp đang tiến hành tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, để từ đó tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng và thực hiện Chương trình mới trong giai đoạn 2022-2025 (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào quý I/2022). Trong đó, một trong nhiệm vụ quan trọng của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật là xây dựng và triển khai các mục tiêu, giải pháp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đặc thù, yếu thế. Để xác định được mục tiêu và đưa ra các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, đáp ứng nhu cầu pháp luật của nhóm yếu thế, cần dựa trên những cơ sở về chính trị, pháp lý, thực tiễn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm yếu thế.

Dự kiến trong tháng 8/2021, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và UNDP tại Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức Tọa đàm lần 2 để góp ý đối với dự thảo Báo cáo nêu trên./.

Một số hình ảnh của buổi Tọa đàm:
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: