Liên kết website

Bộ Tư pháp tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ

13/02/2022

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Bộ Tư pháp hướng dẫn các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình). Trên cơ sở kết quả tổng kết của các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương, Bộ Tư pháp đã tổng kết thực hiện Chương trình trong toàn quốc (Báo cáo số 22/BC-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp).

Theo Báo cáo, 05 năm qua, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng sâu sắc, toàn diện và đầy đủ hơn. Mỗi cán bộ, công chức, người dân đã nhận thức và xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tham gia và có đóng góp tích cực, cụ thể vào công tác này. Theo đó, công tác PBGDPL đã trở thành nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn kết chặt chẽ hơn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Các Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đã chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình. Thực hiện Luật PBGDPL năm 2012, thể chế, chính sách về PBGDPL cơ bản đã được hoàn thiện. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền, trong đó các cơ quan ở trung ương đã tham mưu ban hành, ban hành theo thẩm quyền 06 văn bản quy phạm pháp luật về PBGDPL.

Các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương đã rà soát, bố trí cán bộ làm công tác PBGDPL, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng văn bản pháp luật mới, kỹ năng PBGDPL. Việc rà soát, công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được thực hiện thường xuyên hàng năm. Tính đến hết tháng 6/2021, cả nước có 2.355 báo cáo viên pháp luật trung ương, 7.902 báo cáo viên cấp tỉnh, 16.749 báo cáo viên cấp huyện và 140.432 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Bên cạnh đó, có nhiều báo cáo viên tuyên giáo của Đảng tham gia công tác PBGDPL. Đội ngũ giáo viên dạy môn pháp luật, môn giáo dục công dân từng bước được bổ sung và chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ. Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL, trong đó lần đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, đến nay, Hội đồng trung ương, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Hội đồng cấp tỉnh.

Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã có sự đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp PBGDPL bám sát nhu cầu xã hội và yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng hơn trong việc tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu thông tin về pháp luật để lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp với đặc thù đối tượng, địa bàn, lĩnh vực trước khi triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL cụ thể. Hoạt động PBGDPL cũng đã được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng, quan tâm hơn đến nhóm đối tượng đặc thù. Nhiều hình thức PBGDPL đã được đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy thế mạnh của phương tiện thông tin đại chúng, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả PBGDPL. Từ thực tiễn triển khai Chương trình và các Đề án đã xuất hiện một số mô hình PBGDPL mới, hiệu quả.

Qua 05 năm thực hiện Chương trình, đến nay các mục tiêu PBGDPL cho các đối tượng cụ thể cơ bản đạt được; nhiều nơi tỷ lệ đạt khá cao (Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Thành phố Hà Nội, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Bến Tre...), góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Chương trình và các Đề án đã tạo cơ sở pháp lý và nguồn lực góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL.

Các Đề án được triển khai trong Chương trình có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách như: PBGDPL cho các đối tượng đặc thù; lĩnh vực pháp luật “nóng” như: pháp luật tham nhũng, đất đai; hướng công tác PBGDPL về cơ sở; triển khai phương thức PBGDPL mới ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là điểm đột phá của Chương trình. Qua thực hiện Chương trình, Đề án đã góp phần quan trọng nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác PBGDPL tại một số địa phương còn chưa bám sát với yêu cầu của thực tiễn; hoạt động PBGDPL đôi khi vẫn mang tính thời vụ, thiếu xuyên suốt và hệ thống. Các Đề án về PBGDPL chủ yếu do cơ quan, tổ chức chủ trì Đề án thực hiện, chưa phát huy được vai trò của cơ quan, tổ chức phối hợp. Đối tượng, nội dung PBGDPL của các Đề án còn trùng lắp, dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm, gây lãng phí về nguồn lực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế. Chất lượng PBGDPL trong nhà trường chưa có chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hội đồng phối hợp PBGDPL và thành viên Hội đồng chưa thường xuyên, kịp thời trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình và các Đề án về PBGDPL. Thiếu nguồn lực kinh phí bảo đảm, nhất là đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thuộc diện ngân sách trung ương phải hỗ trợ…

Trên cơ sở các kết quả, tồn tại, hạn chế trong triển khai Chương trình, Bộ Tư pháp cũng đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với bối cảnh tình hình mới, cụ thể như: (i) Tổ chức tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai Luật PBGDPL và các văn bản liên quan. Tích cực triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ một cách thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW. (ii) Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác PBGDPL, trọng tâm là chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, sơ kết, tổng kết, xây dựng, nhân rộng các cách thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả; biểu dương, tôn vinh các gương sáng trong xây dựng, thi hành pháp luật. (iii) Tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực. Ưu tiên thực hiện tốt công tác PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế. Phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí. Đẩy mạnh việc truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội. (iv) Phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong chỉ đạo, định hướng triển khai công tác PBGDPL. (v) Đẩy mạnh giáo dục pháp luật song song với phổ biến pháp luật, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học pháp luật và giáo dục công dân theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp; nâng cao hiệu quả PBGDPL ngoài giờ lên lớp và đặc biệt là xây dựng chuẩn điều kiện về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết của giáo viên, giảng viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân. (vi) Thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL, vận hành có hiệu quả Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, thiết lập các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; tập trung xây dựng Hệ thống thông tin, nền tảng số về PBGDPL để cung cấp thông tin pháp luật trên môi trường mạng, đáp ứng nhu cầu tự học tập, tìm hiểu pháp luật của người dân. (vii) Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia. (viii) Ưu tiên bố trí kinh phí cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL cho đối tượng đặc thù, yếu thế, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL; có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: