Liên kết website

Chi bộ Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề góp phần thiết thực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

10/05/2013

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ và nhiệm vụ công tác Đảng năm 2013, thiết thực hướng tới Kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2013), ngày 08 tháng 5 năm 2013, Chi bộ Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức sinh hoạt Chi bộ dưới hình thức dã ngoại thực tế với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại khu di tích K9 (Khu Di tích Đá Chông trước đây gọi là K84). Buổi sinh hoạt chính trị này có sự tham dự của toàn thể đảng viên, công chức Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt với sự tham dự của các đồng chí đại diện Chi ủy, Lãnh đạo các đơn vị thuộc khối báo chí – xuất bản của Bộ như: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp.

 

Khu di tích K9 có diện tích 234 ha, nằm bên bờ sông Đà, thuộc Đá Chông, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Nơi đây đã trở thành địa danh lịch sử bắt nguồn với một sự kiện chính trị đặc biệt. Đó là vào một ngày của tháng 5 năm 1957, Bác đến thăm Trung đoàn 36 – Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Bác đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt, nơi sơn thuỷ hữu tình, với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc... Về với Khu di tích K9, Đoàn đã thành kính dâng hương tưởng niệm Bác tại ngôi nhà hai tầng nằm trong Khu di tích.

 

 

 

Đây là ngôi nhà mà Bác đã trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc, nhắm hướng… để làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Trung ương. Công trình được  bắt đầu khởi công xây dựng tháng 9 năm 1959 và đến ngày 15 tháng 3 năm 1960 thì hoàn thành.

Đoàn lần lượt thăm quan Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách.

Khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ. Đoàn đã được nghe giới thiệu những câu chuyện liên quan đến xây dựng công trình, các sự kiện lịch sử đã diễn ra tại tại đây trong suốt 9 năm từ năm 1960 – 1969 với những cuộc họp của Trung ương, những lần Bác tiếp khách quốc tế… Các công chức, đảng viên trong Đoàn đều thầm cảm phục, tự hào về trí tuệ siêu việt, tầm nhìn chiến lược, tài ngoại giao, cốt cách văn hóa… của vị lãnh tụ thiên tài, người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Đoàn không khỏi bồi hồi, xúc động khi tiếp tục tìm hiểu về quá trình giữ gìn, bảo quản thi hài Bác tại K9 với tổng thời gian là 04 năm 04 tháng 19 ngày từ năm 1969 đến năm 1975.

Những câu chuyện gắn với các di tích được gìn giữ tại K9 như ba chiếc xe chuyên dụng dùng để chở thi hài Bác trong các đợt di chuyển, công trình giữ gìn, bảo quản thi hài Bác đã thể hiện sâu sắc tình cảm của nhân dân ta, bộ đội ta với Bác kính yêu.

 
 

Đồng thời, qua những câu chuyện kể lịch sử tại K9, càng thấy rõ hơn Bác đúng là hiện thân của sự hoà đồng giữa con người với thiên nhiên. Khi xây dựng ngôi nhà, làm đường sá ở khu K9, Người đã yêu cầu giữ lại tất cả các cây trồng lấy gỗ, các ngôi nhà, đường sá đều được làm trên những khoảng đất trống không có cây trồng. Hai loại cây được trồng ở những nơi thường xuyên Người có thể nhìn thấy được đó là cây vú sữa của miền Nam thân yêu và cây hoa râm bụt của quê nhà. Con đường rải sỏi bậc thang ngày ngày Bác vẫn đi dạo rèn luyện sức khoẻ, bãi đá chông, những bậc đá trên đường dẫn xuống sông, hòn non bộ…, tất cả vẫn còn được lưu giữ như thuở nào. Thăm quan những di tích này, các đảng viên, công chức được sống trong một không gian thiêng liêng, một không gian thể hiện tư tưởng, đạo đức tác phong của Người và cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm của Bác với thiên nhiên, với quê hương, đất nước. “Nghĩ về Bác, lòng con trong sáng hơn” – câu hát ấy thay lời muốn nói của mỗi đảng viên, công chức trong Đoàn tại buổi sinh hoạt chính trị, như còn thấy mãi nơi đây hình ảnh của Bác rất đỗi bình dị, gần gũi mà thanh cao. Noi theo tấm gương sáng ngời của Bác về phẩm chất đạo đức người chiến sỹ cộng sản yêu nước, mỗi đảng viên, công chức tự thấy mình cần phải sống tốt hơn, học tập và làm việc tích cực hơn, trách nhiệm hơn, “phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" như lời Bác dặn trước lúc đi xa, mà trước hết là thực hiện tốt “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp” - biểu hiện sinh động, sâu sắc nhất của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tạm biệt khu di tích K9, Đoàn tiếp tục đến thăm đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì. Ngôi đền thiêng thờ Bác nằm ở độ cao 1.269 mét, là đỉnh cao nhất dãy Ba Vì. Đứng trên đỉnh núi cao sừng sững, dưới mây ngàn lộng gió, trước Đền thờ Bác, dưới lá cờ Tổ quốc, các công chức, đảng viên của Đoàn thành kính thắp hương tưởng nhớ Bác và nguyện sẽ phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với  mong mỏi của Bác.

 

 

 

Buổi sinh hoạt kết thúc mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần thiết thực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc cho các thế hệ công chức, để mỗi chúng ta giữ vững niềm tin thực hiện mong muốn của Bác lúc sinh thời là xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

                                                                    (Lan Anh _ Vụ PBGDPL)

Các tin đã đưa ngày: