Liên kết website

Nhiều giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ được nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới để phục vụ xây dựng nông thôn mới

04/08/2022

Hiến pháp năm 2013 khẳng định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức rõ điều này, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng giai đoạn. Thực hiện các giai đoạn 2010 – 2015 và 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: số 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012 và số 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở sơ kết và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trên thực tế, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở xác định các mục tiêu, đặc biệt là các chỉ tiêu và sản phẩm, Chương trình đã đề ra nhiều nhiệm vụ mang tính nghiên cứu, đề xuất để ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Có thể kể tới một số chỉ tiêu, sản phẩm như có ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng; tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư; tối thiểu 25% mô hình được thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Các nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu, đề xuất được xác định tại Chương trình thể hiện rõ vị trí, vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế nông thôn, nông thôn trong tình hình mới. Trong đó trọng tâm của việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo cơ sở thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới là nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho các giai đoạn tiếp theo; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng tích hợp các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của Chương trình; nghiên cứu giải pháp phát huy vai trò của chính quyền, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp (đặc biệt là cấp cơ sở) trong thực hiện Chương trình nông thôn mới; giải pháp phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; giải pháp nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới; giải pháp phát triển và thúc đẩy vai trò của các tổ chức xã hội trong xây dựng nông thôn mới...

Về phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững, Chương trình đề ra các nhiệm vụ nghiên cứu như xây dựng các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ quản trị nông thôn; xã hội hóa công nghệ thông tin trong quản lý cộng đồng, kết nối thôn, bản, hợp tác xã, đáp ứng tốt hơn dịch vụ công trong công đồng dân cư nông thôn; đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải phù hợp với đặc thù của từng ngành, nghề và vùng miền; giải pháp thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế trang trại, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị; giải pháp phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, làng thông minh với các dịch vụ nông thôn phù hợp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc; duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long...

Ngoài ra, còn có các nghiên cứu về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; giải pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cộng đồng; giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; chú trọng đến thu gom và xử lý rác thải rắn, chất thải nhựa, nước thải sinh hoạt và làng nghề...

Đặc biệt, nhiều mô hình nông thôn mới sẽ được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ. Đó là (i) mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái; (ii) mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại nông lâm thủy sản và quản trị nông thôn; (iii) mô hình làng sinh thái, làng thông minh đáp ứng an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; (iv) mô hình khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển kinh tế rừng; trồng và bảo vệ rừng; phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; (v) mô hình xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn; (vi) mô hình xã hội hóa, (viii) mô hình hợp tác công tư trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình hạ tầng nông thôn và bảo vệ môi trường.
Nguyễn Thị Thạo
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: