Liên kết website

Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện tỉnh Nghệ An về bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở

14/09/2022

Trong bối cảnh Chính phủ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) đã phối hợp với Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ tiến hành khảo sát, đánh giá nhận thức của hòa giải viên về bình đẳng giới. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều hòa giải viên ở cơ sở còn thiếu hiểu biết về giới, bình đẳng giới, định kiến giới. Với mong muốn nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, trong đó có kiến thức về giới và kỹ năng hòa giải bảo đảm bình đẳng giới. Bộ Tư pháp đã phối hợp với EU JULE xây dựng Tài liệu “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở”.

Việc bồi dưỡng, tập huấn về khai thác, sử dụng Tài liệu “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở” được thực hiện ở cả 03 cấp hành chính: Giảng viên trung ương thực hiện tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh; tập huấn viên cấp tỉnh thực hiện tập huấn cho tập huấn viên cấp huyện, tập huấn viên cấp huyện tiến hành tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở.
Nghệ An có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Thổ…) và nhiều xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vì vậy, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Dự án EU JULE đã lựa chọn tỉnh Nghệ An để tiến hành thí điểm tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện. Hội nghị được tổ chức tập huấn trong 02 ngày 12-13/9/2022 cho 31 tập huấn viên cấp huyện của 21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, ở Việt Nam xuất pháp từ văn hóa cộng đồng, từ quan niệm “Vô phúc đáo tụng đình” từ xa xưa, công tác hòa giải ở cơ sở đã hình thành và phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng như giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Theo thống kê, hàng năm cả nước có hơn 120.000 vụ, việc được giải quyết qua tổ hòa giải và tỷ lệ hòa giải thành đạt trung bình trên 80% (trên 100.000 vụ,việc hòa giải thành). Điều này thiết thực giảm gánh nặng cho các cơ quan nhà nước, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho người dân, nhà nước và xã hội. Một trong những nguyên tắc quan trọng được quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở là: “Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở”. Theo đó, tổ hòa giải phải có ít nhất 01 hòa giải viên nữ và đòi hỏi hòa giải viên cần có hiểu biết về giới, bình đẳng giới từ đó, có ứng xử, lời nói, hành động không có sự phân biệt đối xử hay định kiến giới để đảm bảo quá trình hòa giải và kết quả hòa giải thành mang tính bền vững và đúng quy định pháp luật. Đây là một vấn đề khó vì hòa giải viên là những người được cộng đồng dân cư bầu, trình độ khác nhau, đa số không được đào tạo về luật (thống kê chỉ có 3,5% hòa giải viên được đào tạo luật).
Được sự hỗ trợ tích cực từ Dự án tăng EU JULE, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn về bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở cho toàn bộ đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh trên cả nước và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà quản lý và học viên.
 Mục tiêu của Hội nghị: Sau khi được tập huấn, đội ngũ tập huấn viên cấp huyện của tỉnh Nghệ An sẽ được củng cố, trang bị kiến thức về giới, bình đẳng giới, yêu cầu đối với hòa giải viên để thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở, các kỹ năng cơ bản của hòa giải viên trong quá trình hòa giải; từ đó nắm được các phương pháp, kỹ năng tập huấn và các kiến thức được học để bồi dưỡng, tập huấn lại cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn.  Lớp tập huấn được thực hiện theo phương pháp hiện đại, lấy người học làm trung tâm, các học viên làm bài tập nhóm, trao đổi, thảo luận sôi nổi, tích cực tương tác với giảng viên, bảo đảm tính thực chất, dễ nhớ, dễ hiểu.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đánh giá cao tính hữu ích, thiết thực của hội nghị tập huấn và Tài liệu Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở. Đa số đã hiểu rõ các khái niệm, nội dung thực hiện bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở, có thể vận dụng những kiến thức, phương pháp sư phạm học được để tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nhiều ý kiến đề nghị Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiếp tục hỗ trợ, tổ chức các lớp tập huấn tương tự cho các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện miền núi, huyện nghèo./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: