Liên kết website

Hỗ trợ tư vấn pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030

05/08/2022

Đó là một trong các giải pháp nhằm hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ đưa ra trong Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030 (Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030”).

Việc hỗ trợ tư vấn pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp sẽ tập trung vào các hoạt động: bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ, pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ pháp lý, sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm và các nội dung pháp lý khác liên quan đến kinh doanh cho thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể của thanh niên; Xây dựng các sản phẩm, ứng dụng hỗ trợ pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp.
Chương trình cũng đưa ra các giải pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên khởi nghiệp, chú trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò của thanh niên đối với sự phát triển kinh tế, nội dung của giải pháp này gồm các nhiệm vụ cụ thể như: Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và vai trò, vị trí, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Xây dựng nội dung và vận hành cổng thông tin Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp; Biên soạn tài liệu, ấn phẩm dưới dạng sách viết, sách điện tử, sách nói nhằm phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin và hỗ trợ thanh niên nâng cao nhận thức về khởi nghiệp; xây dựng sách trắng về thanh niên khởi nghiệp; Xây dựng và phát huy các chuyên trang, chuyên mục trên các báo của Đoàn, Hội để giới thiệu về các gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên; Phối hợp các đơn vị truyền hình, các Hiệp hội ngành nghề và các tổ chức khác xây dựng các chương trình truyền hình, chương trình phát thanh, chương trình thực tế về khởi nghiệp; Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, thanh niên; tổ chức các cuộc giao lưu giữa thanh niên với các doanh nhân thành đạt; Định kỳ hằng năm tổ chức tuyên dương doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu và tổ chức tôn vinh chuyên gia, nhà tư vấn, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp tiêu biểu. Lồng ghép các nội dung, giải pháp định hướng về khởi nghiệp trong các chương trình định hướng, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho thanh thiếu niên; Tuyên truyền, tư vấn, tập huấn cho thanh niên khởi nghiệp khi tiếp cận các nguồn vốn và nhà đầu tư nước ngoài nhằm tránh bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng vào mục đích gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Có thể nói, Chương trình đưa ra các giải pháp hỗ trợ đồng bộ, từ khâu tuyên truyền đến các khâu hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh cụ thể hơn như: Tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng; hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho thanh niên; Hỗ trợ liên kết, phát triển mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp; Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Công tác xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên cũng là một giải pháp rất quan trọng nhằm giúp thanh niên khởi nghiệp có thể tiêu thụ được sản phẩm khởi nghiệp của mình. Theo đó, Đoàn thanh niên chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ định kỳ tổ chức các triển lãm, hội chợ sản phẩm khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp; thực hiện việc kết nối với các doanh nghiệp vận chuyển lớn ưu đãi chi phí vận chuyển các sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp; Tập huấn, bồi dưỡng, tư vấn cho thanh niên khởi nghiệp về các nghiệp vụ xuất nhập khẩu, cung cấp thông tin về các thị trường quốc tế; Tổ chức các chương trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã thanh niên áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm; Phát triển các mô hình chợ điện tử, liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn để hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, xây dựng bộ nhận diện sản phẩm cho thanh niên khởi nghiệp.
Đặc biệt, Chương trình sẽ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chương trình hỗ trợ được chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn 1: 2022-2025; Giai đoạn 2: 2025-2030; mỗi giai đoạn có các mục tiêu cụ thể như:
- Giai đoạn 1(2022 - 2025): Hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp; Ít nhất 80.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Hỗ trợ thành lập 200 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; Hằng năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP.
- Giai đoạn 2 (2026 - 2030): Hỗ trợ 12.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 2.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hằng năm, 200.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp; Duy trì và xây dựng 120.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Hỗ trợ thành lập 300 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; Hằng năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP.
Để thực hiện việc hỗ trợ được hiệu quả, bảo đảm chất lượng, hàng năm 100% cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; 100% tỉnh, thành đoàn hàng năm có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên;  giai đoạn 1: 40% các tỉnh, thành đoàn thành lập Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; 40% các tỉnh, thành đoàn có các thiết chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; giai đoạn 2 tỷ lệ này là 100%.
Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn kinh phí lồng ghép thông qua các chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội, cộng đồng theo quy định của pháp luật; Và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Đinh Quỳnh Mây
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: