Liên kết website

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

30/07/2022

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (sau đây gọi là Dự thảo Luật) gồm 7 Chương, 71 Điều, dự kiến trình Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Nội dung Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 06 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm:
Chính sách 1: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh trong hoạt động phòng thủ dân sự.
Chính sách 2: Phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Chính sách 3: Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Chính sách 4: Đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
Chính sách 5: Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Chính sách 6: Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.
Trên cơ sở các chính sách được thông qua, dự thảo Luật được xây dựng với các nội dung cơ bản sau đây:
Tại Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 9), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự; đánh giá mức độ rủi ro về thảm hoạ, sự cố; khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; các hành vi bị nghiêm cấm.
Tại Chương II - Hoạt động phòng thủ dân sự (từ Điều 10 đến Điều 36) gồm có 6 mục, quy định các hoạt động phòng thủ dân sự tiến hành xuyên suốt từ khi tình hình bình thường cho đến khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và khi thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra; khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Trong đó quy định một số nội dung trọng tâm sau:
- Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự (Điều 10), kế hoạch về phòng thủ dân sự (Điều 11), hệ thống công trình phòng thủ dân sự (Điều 12).
  • Cấp độ phòng thủ dân sự là hoạt động của chính quyền, các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong việc ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; cơ sở để xác định biện pháp, nguồn lực huy động và phân định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc ứng phó, khắc phục thảm hoạ, sự cố. Cấp độ phòng thủ được xác định thành 4 cấp độ 1, 2, 3, 4 từ thấp đến cao (Điều 21); thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 22), thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng thủ dân sự (Điều 23), phân công trách nhiệm phòng thủ dân sự (Điều 24).
  • Các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3 để làm cơ sở cho người có thẩm quyền tùy theo mức độ và tình hình thực tế để quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp (Điều 25 đến Điều 27).
  • Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp (cấp độ 4): Các biện pháp phòng thủ dân sự áp dụng trong tình trạng khẩn cấp đảm bảo có giới hạn cụ thể, phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật (Điều 28, Điều 29).
  • Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng chiến tranh: Quy định các biện pháp phòng thủ dân sự khi có chiến tranh, các biện pháp khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh gây ra (Điều 30, Điều 31).
  • Khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố: Quy định hoạt động khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố và các biện pháp hỗ trợ khi phải áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp (Điều 32 đến Điều 36).
Tại Chương III - Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự (Điều 37 và Điều 38) quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương. Dự thảo Luật giao “Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành; cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương”.
Việc thành lập cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự trên cơ sở hợp nhất một số tổ chức liên ngành ở trung ương, địa phương là cần thiết, góp phần thu gọn đầu mối cơ quan có trách nhiệm ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự; bảo đảm rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong quản lý, giải quyết các vấn đề phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Quy định tại dự thảo luật thể hiện đúng chính sách đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (chính sách 4)  đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 10 Điều 11 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành ban hành kèm theo Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg  ngày 12/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Chương IV - Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự (từ Điều 39 đến Điều 42) quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân; tổ chức kinh tế; cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động phòng thủ dân sự tại Việt Nam.
Tại Chương V - Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự (từ Điều 43 đến Điều 47) quy định về nguồn lực cho phòng thủ dân sự: Quỹ Phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng phòng thủ dân sự; bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố.
Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở hợp nhất Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch. Quy định Quỹ Phòng thủ dân sự là nội dung lớn của dự thảo Luật nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn do hậu quả của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Dự thảo Luật quy định các vấn đề liên quan đến Quỹ Phòng thủ dân sự, gồm: Địa vị pháp lý của Quỹ; nguồn tài chính của Quỹ; mục đích sử dụng; nguyên tắc hoạt động của Quỹ. Đối với bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố, dự thảo Luật quy định đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm, nguồn kinh phí, điều kiện đối với doanh nghiệp bảo hiểm.
Tại Chương VI - Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự (từ Điều 48 đến Điều 69) quy định nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự nói chung; trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; xử lý vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự.
Tại Chương VII - Điều khoản thi hành (Điều 70, Điều 71) quy định bãi bỏ một số điều của luật có liên quan đến phòng thủ dân sự, thời điểm có hiệu lực và trách nhiệm thi hành Luật.
Tô Thị Thu Hà
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: