Liên kết website

Một số quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính

27/09/2022

Ngày 29/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính (sau đây gọi là Thông tư số 40/2022/TT-BTC). Thông tư có một số quy định mới sau đây:

1. Bổ sung 02 lĩnh vực giám định tư pháp
Thông tư số 40/2022/TT-BTC đã quy định bổ sung thêm 02 lĩnh vực giám định tư pháp là: Giám định tư pháp về tài sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp so với quy định hiện hành tại Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính. Theo quy định tại Thông tư này, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm: Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; giám định tư pháp về giá; giám định tư pháp về chứng khoán; giám định tư pháp về thuế; giám định tư pháp về hải quan; giám định tư pháp về tài sản công; giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật. 
2. Bổ sung thời hạn giám định tư pháp
Thông tư số 40/2022/TT-BTC quy định rõ thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính tối đa không quá 03 tháng, trừ trường hợp vụ việc giám định có từ 02 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tài chính trở lên hoặc có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn giám định tối đa không quá 04 tháng. Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa được quy định trên.
3. Bổ sung quy định về Hội đồng giám định
Thông tư số 40/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung cụ thể về việc thành lập Hội đồng giám định tại cơ quan Bộ Tài chính như sau: Trong trường hợp thành lập Hội đồng giám định theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp thì Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định phù hợp nội dung trưng cầu giám định, trong đó phải có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập Hội đồng giám định.
Thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của Hội đồng giám định thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp.
4. Bổ sung quy định về tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính
Theo đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giám định tư pháp được xem xét lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp; khoản 4, khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
Ngoài ra, Thông tư số 40/2022/TT-BTC còn bổ sung một số quy định mới về việc chuẩn bị giám định tư pháp; trình tự thực hiện giám định tư pháp … 
Thông tư số 40/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022 và thay thế Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp./. 
Trần Văn Tùy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: