Liên kết website

Xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội

17/11/2022

Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em (Nghị định số 130/2021/NĐ-CP). Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, cụ thể là Luật Trẻ em năm 2016; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội…và phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP có 15 hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, được quy định từ Điều 6 đến Điều 20 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP.

1. Hành vi vi phạm quy định về hồ sơ hưởng chính sách trợ giúp xã hội (Điều 6): (i) Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp (không thuộc trường hợp khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 02 người đến dưới 10 người và từ 10 người trở lên); (ii) Phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 02 người đến dưới 10 người; (iii) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 10 người trở lên; (iv) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Khai báo gian dối để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khai báo gian dối để được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng; khai báo gian dối để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung.
2. Hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (Điều 7): (i) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với đối tượng bảo trợ xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội; (ii) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội để trục lợi; bắt buộc đối tượng bảo trợ xã hội lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (iii) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc đối tượng bảo trợ xã hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Hành vi vi phạm về hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội (Điều 8): (i) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ không đầy đủ các loại hồ sơ cơ bản của đối tượng bảo trợ xã hội; (ii) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không lưu trữ các loại hồ sơ của đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật; không báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật; cấp không đủ hoặc cấp không bảo đảm chất lượng vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày gồm: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường; vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội là nữ, sách vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các đồ dùng khác theo quy định hiện hành; (iii) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trong hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội; không cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày gồm: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội là nữ, sách vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các đồ dùng khác theo quy định hiện hành; (iv) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất của cơ sở trợ giúp xã hội sai mục đích; thu tiền dịch vụ đối với đối tượng bảo trợ xã hội trái với quy định của pháp luật; không bảo đảm một trong các điều kiện về môi trường, y tế, vệ sinh, cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên; không tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; (v) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cơ sở hoạt động mà không đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật; cơ sở hoạt động mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật.
4. Hành vi vi phạm định về trách nhiệm của tổ chức dịch vụ chi trả (Điều 9): (i) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Chi trả trợ cấp không đủ mức cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật; chi trả trợ cấp không đúng thời hạn cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật; (ii) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội; chi trả trợ cấp không đúng đối tượng bảo trợ xã hội.
5. Hành vi vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ (Điều 10): Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn; sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng và tráo đổi hàng cứu trợ. 
6. Nhóm các hành vi vi phạm liên quan đến người khuyết tật 
6.1. Hành vi vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật (Điều 11): (i) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật; cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin; (ii) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật; (iii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; (iv) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6.2. Hành vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật của cơ sở khám chữa bệnh (Điều 12): (i) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho một trong các đối tượng: Người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật; (ii) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh; (iii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
6.3. Hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm giáo dục đối với người khuyết tật của cơ sở giáo dục (Điều 13): (i) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp với người khuyết tật theo quy định của pháp luật; không cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật; không cho phép người khuyết tật được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của người khuyết tật không thể đáp ứng; từ chối người khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn theo quy định của pháp luật; đặt ra điều kiện tuyển sinh có nội dung hạn chế người khuyết tật, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật; không thực hiện ưu tiên tuyển sinh đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật; cản trở quyền học tập của người khuyết tật; (ii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo và các khoản đóng góp khác theo quy định của pháp luật về giáo dục; không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở giáo dục.
6.4. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động giáo dục nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật (Điều 14): (i) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tư vấn việc làm cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật; (ii) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không duy trì các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định cho người khuyết tật sau khi tổ chức hoạt động đào tạo từ 06 tháng trở lên; Không có đủ chương trình, giáo trình, đội ngũ nhà giáo và không bảo đảm hình thức, thời gian đào tạo phù hợp với người khuyết tật; không cấp văn bằng, chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo khi người khuyết tật có đủ điều kiện được cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.
6.5. Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông dành cho người khuyết tật (Điều 15): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không ưu tiên bán vé cho người khuyết tật; người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật; từ chối chuyên chở người khuyết tật hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của người khuyết tật bằng phương tiện giao thông công cộng.
6.6. Hành vi vi phạm quy định về thông tin và truyền thông dành cho người khuyết tật (Điều 16): (i) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông, bao gồm phần cứng, phần mềm và nội dung thông tin số vi phạm một trong các quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thông tin và truyền thông; (ii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi áp dụng không đúng đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ khác cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp dịch vụ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông. 
6.7. Hành vi vi phạm về xác định mức độ khuyết tật (Điều 17): (i) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; thực hiện không đầy đủ phương pháp xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật; (ii) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện trách nhiệm của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; không thực hiện phương pháp xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật; (iii) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi; từ chối xác định lại mức độ khuyết tật mà không có lý do chính đáng; gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
7. Nhóm các hành vi vi phạm liên quan đến người cao tuổi 
7.1. Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông dành cho người cao tuổi (Điều 15): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không ưu tiên bán vé cho người cao tuổi; người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người cao tuổi.
7.2. Hành vi vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người cao tuổi (Điều 18): (i) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cản trở người cao tuổi sống chung với con, cháu hoặc sống riêng; cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về sở hữu tài sản, quyền tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nghỉ ngơi và các quyền hợp pháp khác; không miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội đối với người cao tuổi; không ưu tiên người cao tuổi nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi người cao tuổi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác; không thực hiện chi trả khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người cao tuổi theo quy định; (ii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với người cao tuổi.
7.3. Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi (Điều 19): (i) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết để chăm sóc người cao tuổi theo quy định của pháp luật; lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để trục lợi.
8. Hành vi vi phạm một số quy định khác đối với người cao tuổi, người khuyết tật (Điều 20): (i) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kích động, xúi giục người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi; (ii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cưỡng ép người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; ép buộc người cao tuổi làm những việc trái quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; trả thù, đe dọa người giúp đỡ người cao tuổi, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi.
Bên cạnh các hình thức xử phạt tiền nêu trên, tuỳ theo từng hành vi cụ thể, Nghị định quy định các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng tương ứng với từng hành vi vi phạm. Có thể khẳng định, việc quy định cụ thể hành vi vi phạm, mức xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội góp phần hạn chế tối đa hành vi vi phạm, phát huy vai trò của cá nhân, tổ chức có liên quan, tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành trong lĩnh vực này./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: