Liên kết website

Tổ chức thành công Hội nghị tập huấn nội dung Công ước về phòng, chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn tại huyện Côn Đảo

13/05/2024

Thực hiện Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT) và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn; Quyết định số 153/QĐ-BTP ngày 02/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” năm 2024, ngày 10/5/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã tổ chức thành công Hội nghị tập huấn nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Hội nghị gồm hơn 100 đại biểu là đội ngũ cán bộ, công chức một số cơ quan, đơn vị cấp huyện, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, người có uy tín tại cộng đồng, trưởng các cụm dân cư trên địa bàn huyện Côn Đảo. Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Thụy Nga - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Côn Đảo và đại diện Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh, Công ước chống tra tấn là 01 trong 09 Công ước quan trọng về quyền con người của Liên Hợp quốc và đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1984, có hiệu lực từ tháng 6/1987. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Công ước đối với vấn đề bảo đảm quyền con người, ngày 07/11/2013, Việt Nam đã ký tham gia Công ước, ngày 05/02/2015 Việt Nam chính thức nộp văn kiện phê chuẩn Công ước chống tra tấn tới Tổng thư ký Liên hợp quốc. Việc tham gia Công ước là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.
Thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên, trong đó có nghĩa vụ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Công ước và nhiệm vụ tại Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn, ngày 12/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án. Vừa qua, ngày 14/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 87/QĐ-TTg về Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, trong đó giao Bộ Tư pháp tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho Nhân dân, bao gồm các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, tôn giáo, người dân sống ở khu vực miền núi, hải đảo. Do đó, Bộ Tư pháp lựa chọn huyện Côn Đảo để tổ chức Hội nghị tập huấn nêu trên nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết đối với Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở và người dân trên địa bàn Côn Đảo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được TS. Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Bộ Tư pháp trình bày nội dung chuyên đề, làm rõ khái niệm tra tấn; khái quát quá trình nội luật hoá của Công ước, hình sự hoá hành vi tra tấn theo yêu cầu của Công ước, đồng thời tập trung trình bày các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có liên quan đến phòng, chống tra tấn…
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao sự cần thiết, nội dung của Hội nghị. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm tổ chức các Hội nghị tập huấn về các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân trên địa bàn huyện đảo./.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giao dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: