Công tác chỉ đạo, điều hành
Công tác PBGDPL đã được cụ thể hoá trong kế hoạch công tác của Bộ Nội vụ. Các đơn vị thuộc Bộ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác này theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Nội vụ đã chủ động ban hành 12 văn bản để triển khai công tác PBGDPL trong toàn ngành
[1] với yêu cầu phải bám sát phương châm hành động và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nội vụ năm 2024; bảo đảm sự tham gia phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và các ban ngành, đoàn thể khác.
Công tác PBGDPL được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú
Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ năm 2024 nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật, nhất là các luật mới ban hành và các văn bản hướng dẫn thi hành thuộc lĩnh vực Nội vụ đến cán bộ, công chức, viên chức người lao động của Bộ, ngành Nội vụ và các đối tượng liên quan, gắn tuyên truyền, phổ biến pháp luật với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Nội vụ.
Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ đã chủ động tổ chức biên soạn và cập nhật nội dung chính sách mới, quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng từ năm 2023 đến nay gửi đến Thông tấn xã Việt Nam, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giải đáp kịp thời các vấn đề cử tri quan tâm và đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, nhằm đưa pháp luật lĩnh vực Nội vụ vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ và ngành Nội vụ.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ như Ban Thi đua –Khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ; Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Học viện Hành chính Quốc gia;… đã bám sát Kế hoạch PBGDPL của Bộ, chủ động tổ chức PBGDPL cho công chức, viên chức các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực phụ trách với nhiều hình thức đa dạng phong phú và thiết thực.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Nội vụ tiến hành phổ biến pháp luật trực tiếp 29 cuộc với 4.845 lượt người tham dự; số tài liệu được phát hành miễn phí là 4.251 (bản); số lượng tin bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng là 271 (tin bài).
Công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội
Công tác truyền thông những chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nội vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: Xây dựng, biên tập tin, bài, tọa đàm, zolo, fanpage để phổ biến, tuyên truyền nội dung chủ yếu và những điểm mới, chính sách nổi bật của văn bản quy phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nội vụ các địa phương. Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó lực lượng nòng cốt là Tạp chí, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng thông tin của Bộ, trang thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc Bộ, qua đó tạo kênh thông tin lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân đối với các văn bản quy phạm pháp luật ngay trong quá trình soạn thảo. Bộ Nội vụ cũng đã đăng tải kịp thời các thông tin về hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật lĩnh vực Nội vụ như: Luật Lưu trữ (sửa đổi), Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động chữ thập đỏ, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/11/2019 quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và đề xuất sửa đổi Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất về chính sách tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang kể từ ngày 01/7/2024…
Có thể khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Nội vụ đã bám sát chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương để cụ thể hóa việc chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai trong toàn ngành. Công tác PBGDPL tại Bộ Nội vụ đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với đặc điểm tình hình xã hội, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội. Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; các kế hoạch PBGDPL mới được xây dựng ngắn hạn hàng năm, chưa có những kế hoạch dài hạn để tạo sự chủ động cả về kinh phí cũng như biện pháp tổ chức thực hiện, Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tiếp tục xác định tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ công tác PBGDPL trong 06 tháng cuối năm 2024, trong đó điểm nhấn là thực hiện có hiệu quả các hoạt động PBGDPL trong tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11./.