Trong đó, rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường. Rừng đặc dụng bao gồm Vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia. Trước tầm quan trọng của rừng đặc dụng, tại Mục 1 Chương II Nghị định số 58/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể về chính sách đối với rừng đặc dụng.
Về cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng
Ban quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng bình quân 150.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng đặc dụng được giao, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy ban quản lý rừng. Cộng đồng dân cư;
tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất,
đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng và tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng bình quân 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao. Kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III bằng 1,2 lần mức bình quân, vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân các quy định nêu trên. Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
Nghị định cũng quy định cụ thể về nội dung chi và trình tự thực hiện việc cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng cho các đối tượng. Trong đó, Ban quản lý rừng đặc dụng được khoán bảo vệ rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại địa phương theo quy định; chi phí tiền công cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thuộc đối tượng không được hưởng lương do ngân sách nhà nước cấp; thuê lao động bảo vệ rừng; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ bảo vệ rừng và các công cụ hỗ trợ, bảo hộ lao động cho lực lượng bảo vệ rừng; hỗ trợ các lực lượng tham gia truy quét, tuần tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tổ chức ký quy ước, cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng; tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư; chi xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; diễn tập chữa cháy rừng; trực ngoài giờ phòng cháy, chữa cháy rừng trong các tháng mùa khô và chi các hội nghị phục vụ công tác bảo vệ rừng; hỗ trợ chi phí đi lại, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, họp với cộng đồng dân cư để triển khai hoạt động phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng và thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Cộng đồng dân cư được cấp kinh phí để thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng do chủ rừng quyết định theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp….
Cấp kinh phí khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng đặc dụng
Trong chính sách đối với rừng đặc dụng, Nghị định số 58/2024/NĐ-CP quy định chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, được cấp kinh phí như sau: (i) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: mức kinh phí bình quân 1.000.000 đồng/ha/năm trong thời gian 6 năm (đối với vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân); (ii) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung: mức kinh phí bình quân 2.000.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 1.000.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo; (iii) Chi phí lập hồ sơ lần đầu cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là 50.000 đồng/ha; chi phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được xác định bằng dự toán được duyệt; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 7% trên tổng kinh phí chi cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hằng năm.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư thực hiện trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm giàu rừng đặc dụng với mức đầu tư theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, Nghị định số 58/2024/NĐ-CP quy định về việc hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng. Theo đó, cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm của khu rừng đặc dụng được hỗ trợ bình quân là 50.000.000 đồng/cộng đồng dân cư/năm. Để được hỗ trợ, cộng đồng dân cư phải đáp ứng 03 điều kiện: (i) Cộng đồng dân cư có quá trình bảo vệ rừng tốt, không để xảy ra các vụ vi phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ rừng; (ii) Có kế hoạch, dự toán được duyệt; có cam kết bảo vệ rừng với Ban quản lý rừng đặc dụng; (iii) Không trùng lặp nội dung hỗ trợ với dự án được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ vào nguồn kinh phí được hỗ trợ, cộng động dân cư xác định nội dung hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau: (i) Hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, giống cây trồng, giống vật nuôi; thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ; (ii) Vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn, nhà văn hóa và các công trình khác.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2024./.