Liên kết website

Nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học góp phần xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh

03/07/2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt lõi có ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay. Để vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, chỉ dẫn của Người đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung biện pháp, trong đó nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học là một giải pháp quan trọng, thiết thực góp phần xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới.

Trong những năm qua, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học phát triển mạnh mẽ đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành sớm và duy trì bền vững thói quen đọc sách của trẻ em, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, kích thích tinh thần tự đọc, tự học.  Nhiều tủ sách gia đình, dòng họ đang lưu giữ các bộ sưu tập tài liệu quý, hiếm; một số tủ sách đã mở rộng thành không gian đọc phục vụ cộng đồng, cùng với mạng lưới không gian đọc, phòng đọc cơ sở trở thành một mắt xích trong hệ thống thư viện trực tiếp phục vụ người dân; các hoạt động khuyến đọc phù hợp với loại hình này triển khai được cộng đồng đón nhận và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tuy nhiên, hoạt động của các tủ sách còn mang tính phong trào, tự phát, nguồn tài nguyên thông tin, đặc biệt các tư liệu quý, hiếm chưa được hệ thống, bảo quản và phát huy giá trị một cách hiệu quả...
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, để “phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản về việc phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các thế hệ trong gia đình, dòng họ
Để phát huy trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, các tổ chức trực thuộc thực hiện các hoạt động cụ thể, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, tính bền vững của việc xây dựng thói quen, duy trì văn hóa đọc gắn kết các thế hệ trong gia đình, dòng họ; vận động và phát động phong trào tạo lập tủ sách gia đình, triển khai mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương” trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức các hoạt động khuyến đọc khuyến khích các thế hệ tham gia nhân dịp các ngày kỷ niệm: Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Người cao tuổi Việt Nam…; đồng thời biểu dương, tôn vinh, ghi nhận các gia đình, dòng họ và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học tại địa phương có phục vụ cộng đồng. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gắn với lĩnh vực được giao quản lý. Cụ thể:
Xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả tại địa phương
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì triển khai thực hiện 03 nhóm nội dung chính sau:
Thứ nhất, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các mô hình tủ sách trên địa bàn; vận động xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả tại địa phương.
Thứ hai, xây dựng chương trình phối hợp hoặc lồng ghép vào các chương trình phối hợp công tác đang thực hiện với Hội Phụ nữ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể tại địa phương để triển khai phong trào xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.
Thứ ba, chỉ đạo thư viện công cộng cấp tỉnh thực hiện: Biên soạn tài liệu: hướng dẫn xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ phù hợp với điều kiện thực tiễn, văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư tại địa phương; hướng dẫn phương pháp hình thành và duy trì thói quen đọc sách từ gia đình, dòng họ; vận động, hướng dẫn xây dựng, bảo quản và phát huy giá trị các bộ sưu tập tài liệu, tư liệu quý hiếm trong các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ trên địa bàn hướng tới hình thành hồ sơ di sản tư liệu. Triển khai các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, luân chuyển tài nguyên thông tin tới tủ sách, không gian đọc có phục vụ cộng đồng; tổ chức hoặc hướng dẫn tổ chức các hoạt động khuyến đọc gắn với việc phát huy hiệu quả của các tủ sách, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương” với các hoạt động như: Đọc sách cùng con, Làm quen với sách, Đọc sách cho con/cháu nghe, Gia đình cùng đọc, Tủ sách cho em…; cuộc thi ảnh về các thế hệ gia đình đọc sách, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm truyền cảm hứng và duy trì thói quen đọc sách trong gia đình, dòng họ, các hoạt động liên quan đến sách có sự tham gia của nhiều thế hệ trong gia đình, của phụ huynh và học sinh tại trường học…
Chuẩn hóa tủ sách trường học
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chuẩn hóa tủ sách trường học gắn với hoạt động thư viện trường học, hướng dẫn lựa chọn bổ sung, luân chuyển sách tham khảo phù hợp theo lứa tuổi, nội dung chương trình dạy và học của trường từ hệ thống thư viện công cộng; đa dạng hóa các mô hình tủ sách và hoạt động khuyến đọc trong nhà trường./.
Nguyễn Thị Giang 
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: