Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân triển khai xây dựng Tủ sách pháp luật theo đúng quy định. Hiện nay, toàn quân xây dựng được 6.029 Tủ sách pháp luật với hàng triệu đầu sách, báo, tài liệu các loại, hàng năm thu hút hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, người lao động khai thác, nghiên cứu, học tập. Trong đó, một số cơ quan, đơn vị tiêu biểu xây dựng được số lượng tủ sách lớn, chính quy, điển hình như: Quân khu 5 có 593 tủ sách, Bộ đội Biên phòng có 538 tủ sách, Quân khu 3 có 412 tủ sách, Quân khu 9 có 410 tủ sách, Quân khu 2 có 373 tủ sách,... Các loại tài liệu, sách, báo bảo đảm cho Tủ sách pháp luật đa dạng, phong phú, như: Các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; các văn bản về điều lệnh, điều lệ, quy chế, quy định của Bộ Quốc phòng; sách, tài liệu pháp lý phục vụ cho công tác giáo dục chính trị, pháp luật, bản tin pháp luật; các loại sách, báo, tài liệu pháp luật khác có nội dung phù hợp với các đối tượng của cơ quan, đơn vị.
Đa dạng hóa nội dung, hình thức hoạt động của Tủ sách pháp luật, nhiều đơn vị đã phát huy tốt vai trò Tủ sách pháp luật phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức, các lực lượng, nhất là tổ chức quần chúng trong tuyên truyền, PBGDPL thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: diễn đàn, tọa đàm, trao đổi, sân khấu hóa,... gắn với thực hiện Ngày Pháp luật hằng tháng. Thông qua hoạt động của Tủ sách pháp luật, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, người lao động không ngừng được nâng lên, có ý thức trách nhiệm trong chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến, tiến bộ.
Trong 05 năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, PBGDPL, việc quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật trong toàn quân được tiến hành nề nếp, chặt chẽ, qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Điển hình như một số các mô hình được áp dụng thành công trong phạm vi toàn quân là:“Mỗi tuần một điều luật, mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”; “Ngày pháp luật”; “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; quá trình học tập trên thao trường, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận có các mô hình “Tủ sách pháp luật lưu động”;”Hộp sách thao trường”; “Túi sách pháp luật”; lồng ghép giới thiệu sách trên các diễn đàn, tọa đàm trao đổi những nội dung tuyên truyền, PBGDPL và chương trình giao lưu nghệ thuật.
Một số mô hình được áp dụng phù hợp với tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Điển hình như: tại Quân khu 3 có nhiều mô hình hay, đã áp dụng hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực trong cơ quan, đơn vị như: Mô hình “Chiến sĩ lái xe an toàn”, “Công đoàn nói không với vi phạm pháp luật, kỷ luật”, “Chi đoàn không có đoàn viên vi phạm pháp luật, kỷ luật”....Tại Quân chủng Hải quân có các mô hình nổi bật, cần triển khai, nhân rộng là “Mỗi người góp một cuốn sách pháp luật cho tủ sách”, “Cà phê sách”, phần mềm “Thượng tôn pháp luật” và hệ thống Elearning của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được ứng dụng trên máy tính, điện thoại, tích hợp nhiều bộ luật, luật, nghị định, thông tư, chỉ thị, qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ, người lao động dễ thao tác, sử dụng, tiếp cận được nhiều kiến thức nhanh chóng. Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) đã xây dựng phần mềm tiếng Việt “Hệ thống Trợ lý ảo pháp luật” cho phép người dùng hỏi đáp thông tin, tra cứu đến toàn bộ văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành. Tập đoàn Viettel còn tổ chức các buổi chia sẻ sách offline tại góc đọc sách của đơn vị và hoạt động online trên các nền tảng xã hội; tổ chức chương trình “Tôi đọc gì?” dành cho cán bộ quản lý và chương trình “Tặng sách hay, niềm vui trao tay” dành cho toàn bộ nhân viên của Tập đoàn... Tại các Học viện, nhà trường và các Trung tâm nghiên cứu còn thành lập những câu lạc bộ dành cho học viên như Học viện Kỹ thuật quân sự có mô hình “Câu lạc bộ sách và hành động”, “Câu lạc bộ Lý luận trẻ”... Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga với mô hình “Tuần lễ đọc sách”, “Tặng sách bạn đọc”... cũng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động tham gia.
Qua 05 năm thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quán triệt và triển khai phù hợp với tình hình thực tế, đạt hiệu quả tốt, góp phần phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết các công việc của cơ quan, đơn vị. Tủ sách pháp luật được khai thác bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Hệ thống Tủ sách pháp luật trong toàn quân trở thành công cụ truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội đến cán bộ, chiến sĩ, người lao động, giúp cán bộ, chiến sĩ, người lao động tiếp cận được các văn bản liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền lợi, nghĩa vụ của từng cá nhân, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện các quy định của pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao; là nguồn cung cấp văn bản pháp luật, các thông tin về quy định của pháp luật và việc tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng nhu cầu cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, quy định của cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”.
Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, chất lượng, hiệu quả Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg theo hướng tăng cường và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp trong quản lý, chỉ đạo về tổ chức, hoạt động Tủ sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị, nhà trường; tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật một cách hiệu quả; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; có kế hoạch trao đổi sách giữa các cơ quan, đơn vị, nhà trường, giữa thư viện các cấp với đơn vị cơ sở và giữa đơn vị với địa phương..../.
Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật