Liên kết website

Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn quy trình hòa giải ở cơ sở cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật

08/08/2024

Thực hiện Dự án “Tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam giai đoạn 2022- 2026” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tài trợ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với UNICEF tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh của một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về hướng dẫn quy trình hòa giải ở cơ sở đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Khóa tập huấn được tổ chức trong hai ngày 07-08/8/2024 tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, do bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và bà Nguyễn Thanh Trúc, chuyên gia về bảo vệ trẻ em của tổ chức UNICEF tại Việt Nam đồng chủ trì. Giảng viên của lớp tập huấn là Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan – nguyên giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội và bà Casey Shelly Anne – chuyên gia về tư pháp bảo vệ trẻ em của tổ chức UNICEF.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, bà Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia rất sớm Công ước về quyền trẻ em (ngày 20/02/1990), là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á tham gia Công ước này. Công tác bảo vệ trẻ em nói chung và người chưa thành niên nói riêng, bảo đảm cho các em được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, có cuộc sống an toàn và lành mạnh khi tham gia các quan hệ xã hội luôn được Nhà nước quan tâm và bảo vệ. Hòa giải ở cơ sở là một trong những biện pháp giải quyết vi phạm pháp luật của người chưa thành niên một cách hiệu quả, bởi đây là biện pháp thân thiện, không gây tổn thương về mặt tinh thần cho người chưa thành niên, đồng thời tạo điều kiện các em nhận thức được hành vi sai trái của mình và tự chịu trách nhiệm về hậu quả của hành vi đó bằng khả năng của mình. Công tác hòa giải cơ sở được xác định là giải pháp cốt lõi có hiệu quả cao để phòng ngừa vi phạm pháp luật và xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, hạn chế các biện pháp răn đe mạnh dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý của người chưa thành niên.
Theo bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia bảo vệ trẻ em của tổ chức UNICEF tại Việt Nam: Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng giai đoạn sắp thành niên (từ 12-18 tuổi) là giai đoạn mà người chưa thành niên có sự phát triển vượt bậc về thể chất và nhận thức. Tuy nhiên trong giai đoạn này, các em trải qua nhiều biến động về tâm, sinh lý, có nhu cầu khẳng định bản thân mạnh mẽ nên rất dễ bị kích động, chưa có đầy đủ năng lực để kiểm soát hành vi và ra quyết định chín chắn. Chính vì vậy, trong giai đoạn này người chưa thành niên dễ có các hành vi vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ dẫn tới vi phạm pháp luật. UNICEF mong muốn tất cả người chưa thành niên đều được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể kiểm soát được hành vi, được phát triển đồng đều cả về trí tuệ, nhân cách và bảo đảm cho tương lai. Biện pháp hòa giải sẽ giúp người chưa thành niên không phải đối diện với việc xử phạt và hình phạt; tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý lứa tuổi, ảnh hưởng sự phát triển tâm sinh lý của các em, đồng thời tạo cơ hội cho các em nhận thức về hành vi sai trái, có thể sửa sai và ngăn ngừa tái phạm.
Ở Việt Nam hiện nay, hòa giải các vụ việc do người chưa thành niên vi phạm pháp luật gây ra chưa được tiến hành rộng rãi, hòa giải viên còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng để hòa giải các vụ việc này. Do đó, tổ chức khóa tập huấn nhằm mục đích cung cấp cho các tập huấn viên cấp tỉnh[1] những kiến thức, phương pháp, kỹ năng để bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tại địa phương mình. Khóa tập huấn gồm 05 chuyên đề chính: (1) Các trường hợp vi phạm pháp luật của người chưa thành niên được áp dụng hòa giải ở cơ sở; (2) Vì sao cần có cách tiếp cận chuyên biệt khi tiến hành hòa giải ở cơ sở đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật; các vấn đề của tư pháp phục hồi; (3) Mục tiêu và nguyên tắc hòa giải cơ sở đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật; (4) Kỹ năng cơ bản của hòa giải viên ở cơ sở; (5) Các bước tiến hành hòa giải vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.
Khóa tập huấn được tổ chức theo hình thức tăng cường sự tham gia của người học, với việc chia nhóm thảo luận, thường xuyên có sự tương tác, trao đổi giữa giảng viên và học viên; học viên phải động não, suy nghĩ về những câu hỏi gợi mở, dẫn dắt của giảng viên… vì vậy, đã thu hút được sự tập trung, chú ý của học viên, lớp học sôi nổi, nhiều ý kiến phát biểu, chất lượng tập huấn đạt mục tiêu đề ra. Sau khóa tập huấn này, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Tài liệu “Hướng dẫn hòa giải ở cơ sở đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật” trên cơ sở phát hiện những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại trong Tài liệu. Tài liệu hoàn chỉnh sẽ được phát hành rộng rãi trên cả nước để đội ngũ tập huấn viên sử dụng tập huấn và đội ngũ hòa giải viên nghiên cứu, áp dụng vào quá trình hòa giải.
Lại Nhật Quang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Đội ngũ này được thành lập theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 và tiếp tục được kế thừa, phát triển tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Các tin đã đưa ngày: