Liên kết website

Tọa đàm “Đánh giá hiệu quả của mô hình Tủ sách pháp luật, Câu lạc bộ pháp luật trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” và “Đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn của thanh thiếu niên hiện nay và các giải pháp khắc phục”

30/09/2015

Thực hiện kế hoạch công tác của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 18/9/2015 tại tỉnh Hải Dương, Bộ Tư pháp tổ chức các Tọa đàm về “Đánh giá hiệu quả của mô hình Tủ sách pháp luật, Câu lạc bộ pháp luật trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” và “Đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn của thanh thiếu niên hiện nay và các giải pháp khắc phục”. Tham dự Tọa đàm là các đại biểu đại diện một số Bộ, ngành ở Trung ương cùng với đại diện đại biểu đến từ các Sở , ban, ngành... một số tỉnh, thành phố.

 

Các Tọa đàm đã diễn ra nghiêm túc; các ý kiến phát biểu, trao đổi của đại biểu đều bám sát chủ đề mà Ban tổ chức đặt ra. Đối với việc đánh giá hiệu quả của mô hình Tủ sách pháp luật, Câu lạc bộ pháp luật, phần lớn các đại biểu đều nhất trí với việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển các mô hình này trong thời gian tới. Tủ sách pháp luật là công cụ hữu ích trong việc phục vụ nhu cầu công tác, nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, công chức và nhân dân, là công cụ đắc lực hỗ trợ chính quyền cơ sở trong công tác quản lý nhà nước, điều hành, giải quyết công việc. Tuy nhiên, cần đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các mô hình này. Các đại biểu đều cho rằng trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cần nghiên cứu, xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật điện tử, tăng cường sử dụng Internet trong tra cứu, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật trên các Trang thông tin điện tử. Song song với đó, cần củng cố, khuyến khích phát triển các Tủ sách/ngăn sách pháp luật đang được sử dụng hiệu quả ở thôn, làng, bản, ấp, khu dân cư, điểm chùa, cơ sở tôn giáo...tiến tới thống nhất tổng kết, đánh giá các mô hình này để Tủ sách pháp luật thực sự đến với người dân, khắc phục những bất cập trong xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật cấp xã hiện nay.

Trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề về thực trạng vi phạm pháp luật và các hành vi “lệch chuẩn” của thanh thiếu niên, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật và các biểu hiện hành vi “lệch chuẩn” của thanh thiếu niên xuất phát dưới nhiều góc độ: gia đình, nhà trường, xã hội và từ chính bản thân các em. Nhằm góp phần hạn chế tình trạng đó, một trong những việc làm cần thiết hiện nay là phải đổi mới, hoàn thiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, tăng cường các hoạt động giáo dục tư tưởng đạo đức, chính trị, lối sống, kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội; giáo dục pháp luật kết hợp với giáo dục tri thức, kinh nghiệm sống, gắn kết với thực tiễn và tăng cường, nâng cao sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, trước mắt là giữa Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Các ý kiến đề xuất của các đại biểu tại Tọa đàm là nguồn tham khảo quan trọng để triển khai các hoạt động nhằm góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi lệch chuẩn của thanh thiếu niên trong thời gian tới.

Các tin đã đưa ngày: