Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là công ty TNHH một thành viên, do Nhà nước quyết định đầu tư thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ này. Vốn điều lệ của Tập đoàn thời điểm 31/12/2011 là 26.166.499.100.000 đồng, tăng so với 02 năm trước gần 8.000 tỷ đồng (vốn điều lệ tại thời điểm ngày 31/12/2009 là 18.574 tỷ đồng). Việc điều chỉnh vốn điều lệ được thực hiện theo quy định của pháp luật; mức vốn điều chỉnh tăng thêm được xác định tối thiểu cho 03 năm kể từ năm quyết định điều chỉnh vốn điều lệ.
Tập đoàn chịu sự quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật. Điều lệ quy định cụ thể quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Tập đoàn; phân công thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn là: trồng, chế biến và kinh doanh cao su; chế biến gỗ; công nghiệp cao su; đầu tư tài chính vào công ty con, công ty liên kết; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tư vấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ trong sản xuất chế chiến kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su, cây rừng trồng.
Tập đoàn có 03 Kiểm soát viên: Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ nhiệm 02 Kiểm soát viên chuyên ngành. Kiểm soát viên có nhiệm kỳ không quá 03 năm. Kiểm soát viên có nhiệm vụ: Kiểm tra tính hợp pháp, trung thực, cẩn trọng của Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc trong tổ chức, thực hiện quyền chủ sở hữu, trong quản lý điều hành công việc kinh doanh tại Tập đoàn; thẩm định các báo cáo: tài chính, tình hình kinh doanh, đánh giá công tác quản lý. Kiểm soát viên có quyền: Yêu cầu cung cấp bất kỳ hồ sơ, tài kiệu nào của Tập đoàn tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của Tập đoàn đề nghiên cứu, xem xét thực hiện nhiệm vụ; được tham dự các cuộc họp giao ban, họp Hội đồng thành viên, họp Ban Tổng Giám đốc, họp chuyên đề có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ; được sử dụng con dấu của Tập đoàn cho các văn bản, hồ sơ, tài liệu thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Cơ cấu quản lý, điều hành của Tập đoàn gồm: Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc. Bộ máy giúp việc gồm các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và các Ban chuyên môn nghiệp vụ.
Hội đồng thành viên có 07 thành viên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật. Hội đồng thành viên có không quá 04 thành viên chuyên trách. Hội đồng thành viên quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm của Tập đoàn; chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của Tập đoàn; quyết định cử người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác; quyết định hoặc ủy quyền Tổng Giám đốc quyết định dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua bán tài sản có giá trị nhỏ hơn 50% vốn điều lệ của Tập đoàn; quyết định góp vốn, tỷ lệ nắm giữ, tăng, giảm vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc… Hội đồng thành viên làm việc theo chế độ tập thể, họp ít nhất một lần trong một quý và có thể họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc hoặc trên 50% tổng số thành viên Hội đồng thành viên.
Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, có nhiệm kỳ là 05 năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên là thành viên chuyên trách, không kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc và các chức danh quản lý khác của Tập đoàn. Chủ tịch Hội đồng thành viên và thành viên Hội đồng thành viên không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm khi để Tập đoàn lỗ; để mất vốn; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động ở Tập đoàn hoặc để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổng Giám đốc là Người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hằng ngày của Tập đoàn, điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh theo mục tiêu, kế hoạch phù hợp với Điều lệ Tập đoàn, các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao. Tổng Giám đốc là thành viên Hội đồng thành viên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Hội đồng thành viên. Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc là 05 năm.
Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị thành viên, đơn vị phụ thuộc không được trái Điều lệ này.