Nghị định số 29/2014/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước. ">
Liên kết website

Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

03/06/2014

Ngày 10/04/2014, Chính phủ đã ban hànhNghị định số 29/2014/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

 

Nghị định này quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và việc quản lý, xử lý đối với tài sản sau khi được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với các loại tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật; tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, di sản không người thừa kế, hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan; tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết.

Tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia được thưởng và mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần. Cụ thể, tỷ lệ trích thưởng đối với phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng là 30%; đối với phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng; trên 01 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng và trên 10 tỷ đồng lần lượt là 15%; 7%; 1% và 0,5%. Trong đó, giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản, quản lý và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước như: Chi phí vận chuyển, bảo quản; chi phí kiểm nghiệm, giám định, định giá tài sản; chi bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan (nếu có)...

Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia... và có giá trị tài sản lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng tại thời điểm giao nộp tài sản, tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (sau khi trừ phí bảo quản).

Cũng theo Nghị định này, vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu được bán theo phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Riêng đối với tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng/đơn vị tài sản; tài sản hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng; hoặc đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có 01 tổ chức (cá nhân) đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm..., thì hình thức bán được áp dụng là bán chỉ định tài sản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2014.

Các tin đã đưa ngày: