Thông tư số 04/2014/TT-BCT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. ">
Liên kết website

Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh

04/04/2014

Ngày 27 tháng 01 năm 2014, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BCT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

 

Theo đó, hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo công bố của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hướng dẫn Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trường hợp nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, viện trợ nhân đạo theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP. Cụ thể, đối với hàng hóa nhập khẩu để nghiên cứu khoa học: Tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học, thương nhân có nhu cầu nhập khẩu để nghiên cứu phát triển sản phẩm gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu điện đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu). Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương cấp phép nhập khẩu cho tổ chức; trường hợp không cấp phép nhập khẩu, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Đối với hàng hóa viện trợ nhân đạo: Bộ Công Thương xem xét, giải quyết trên cơ sở văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền kê khai cụ thể tên hàng, mã số HS, số lượng, mục đích sử dụng từng mặt hàng, cam kết tính xác thực của các nội dung này…

Thương nhân nhập khẩu các mặt hàng có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, gửi hồ sơ đề nghị qua đường bưu điện đến Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu). Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Công Thương cấp phép nhập khẩu cho thương nhân. Trường hợp không cấp phép nhập khẩu, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Đối với ô tô các loại đã qua sử dụng (bao gồm ô tô chở người, ô tô chở hàng hóa, ô tô vừa chở người vừa chở hàng, ô tô chuyên dùng) được nhập khẩu vào Việt Nam phải là loại đã qua sử dụng không quá 05 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu. Cấm nhập khẩu đối với các phương tiện vận tải tay lái bên phải, kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam (trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt); cấm nhập khẩu ô tô các loại và bộ linh kiện lắp ráp ô tô đã thay đổi kết cấu, chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu hoặc bị đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ trong mọi trường hợp và dưới mọi hình thức; cấm tháo rời ô tô khi vận chuyển và khi nhập khẩu; cấm nhập khẩu ô tô cứu thương đã qua sử dụng.

Cũng theo Thông tư này, có bốn mặt hàng nhập khẩu theo chế độ hạn ngạch thuế quan bao gồm: Muối; thuốc lá nguyên liệu; trứng gia cầm (trừ các loại trứng đã thụ tinh để ấp) và đường tinh luyện, đường thô. Trong đó, giấy phép nhập khẩu muối sẽ được cấp cho thương nhân có nhu cầu sử dụng muối trong sản xuất theo xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành; giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được cấp cho thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ xác nhận; giấy phép nhập khẩu trứng gia cầm được cấp cho thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu; giấy phép nhập khẩu đường tinh luyện, đường thô được thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ CôngThương…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2014 và bãi bỏ các văn bản sau đây: Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 06 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 và Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.

Các tin đã đưa ngày: