Lợi thế so sánh của hòa giải ở cơ sở so với giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Giải quyết tranh chấp không phải là vấn đề pháp lý đơn giản, mà là vấn đề tổng hợp đồng thời liên quan đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật. Yêu cầu của giải quyết tranh chấp là phải bảo đảm đúng pháp luật, trật tự xã hội, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, các bên có liên quan, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước.
Với sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều loại tranh chấp với nội dung đa dạng, phức tạp và để bảo đảm trật tự, ổn định xã hội cần phải có cơ chế giải quyết tranh chấp. Có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau, trong đó phổ biến là thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết bằng con đường hành chính hoặc tư pháp (Tòa án).
Hòa giải là phương thức để các bên tự nguyện thương lượng với nhau dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện của bên thứ ba trung gian để đạt được thỏa thuận và giải quyết tranh chấp. Có nhiều hình thức hòa giải khác nhau như hòa giải thương mại, hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại Tòa án, hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn..., trong đó hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng phổ biến trong cộng đồng dân cư.
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2013. Đây là một phương thức giải quyết tranh chấp có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở Việt Nam và ngày nay, đội ngũ hòa giải viên hàng năm đã và đang hòa giải thành hàng trăm nghìn vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích, vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, qua đó duy trì được sự ổn định của các quan hệ xã hội, tạo sự đồng thuận, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Vậy với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng phán quyết của tòa án thì hòa giải ở cơ sở có những đặc điểm nổi bật và lợi thế so sánh nào khiến phương thức này ngày càng được người dân tin tưởng lựa chọn.Có thể tóm lược ở một số khía cạnh sau:
- Thứ nhất, việc hòa giải phải được tiến hành trên cơ sở sự tự nguyện, tự quyết của các bên
Đây là điều kiện tiên quyết, là đặc điểm cơ bản nhất của hòa giải, đồng thời cũng là bảo đảm tính hợp pháp của kết quả hòa giải thành và là nguyên tắc đầu tiên được quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Tính tự nguyện của hòa giải ở cơ sở được thể hiện trên hai khía cạnh:
một là, tự nguyện sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Theo đó, việc hòa giải chỉ được tiến hành khi tất cả các bên tranh chấp, mâu thuẫn đồng ý giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn của mình thông qua hòa giải;
hai là, sự tự nguyện về kết quả giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên có thể hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục, thậm chí đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các bên trong tranh chấp hiểu nhau hơn và đi đến kết quả đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, ngay cả khi phương án hòa giải do hòa giải viên đề xuất là hợp tình, hợp lý thì các bên cũng không bị “bắt buộc” chấp nhận mà việc hòa giải thành phải thể hiện ý chí của các bên. Nếu trong quá trình hòa giải, các bên cho rằng không thể thực hiện được quyền và lợi ích của mình thì có quyền đơn phương rút khỏi thủ tục hòa giải ở bất kỳ giai đoạn nào. Hòa giải tự nguyện cũng chính là thể hiện sự tôn trọng quyền tự định đoạt đối với các quyền và lợi ích pháp của các bên.
Tự nguyện là thuộc tính thiết yếu của thiết chế hòa giải và đó cũng là điểm mà hòa giải khác với phán quyết Tòa án. Việc giải quyết tranh chấp bằng phán quyết của Tòa án không cần phải tự nguyện, ít nhất là đối với bị đơn. Bởi sau khi nguyên đơn khởi kiện và xuất trình tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí (trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền án phí), Thẩm phán thụ lý vụ án. Trong trường hợp này, bất kể bị đơn có muốn hay không, bị đơn sẽ bị đưa vào quy trình, thủ tục tố tụng pháp luật quy định.
- Thứ hai, hòa giải với mục đích “hóa giải”, theo phương châm “đóng cửa bảo nhau”
Một trong những ưu điểm mà hòa giải so với xét xử là không gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa các bên. Mặc dù quan điểm của người dân về tranh tụng đã có sự thay đổi lớn so với trước đây, nhưng vẫn còn một số lượng đáng kể những người mà văn hóa pháp luật truyền thống đã thâm nhập sâu. Tâm lý “vô phúc mà đáo tụng đình”, họ coi việc “đấu tranh trước tòa”, đặc biệt là bị cáo, là một điều “không nên”, “không hay” nhất là trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Do đó, khi một bên khởi kiện, bên bị đơn thường có cảm giác xấu hổ, tức giận và điều này gây ra tâm lý căng thẳng và đối đầu. Sau khi bước vào tranh tụng, sự đối lập giữa hai bên trở nên rõ ràng hơn khi các bên đưa ra lý lẽ, chứng cứ để bảo vệ, chứng minh cái “đúng”/có lợi thuộc về mình, khẳng định cái “sai”/bất lợi của đối phương. Pháp luật quy định rõ, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp (trừ các trường hợp người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án...). Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.
Bên cạnh đó, không phải trong mọi trường hợp có phán quyết của Tòa án thì cũng có nghĩa là tranh chấp đã thực sự được giải quyết theo nghĩa xã hội và tâm lý. Bởi vì đó là một hiện tượng tâm lý khá phổ biến khiến các bên thua kiện không hài lòng với phán quyết, các tranh chấp, mâu thuẫn tưởng chừng như đã được giải quyết ở bề mặt có thể lại bộc lộ ở các khía cạnh khác.
Trong khi đó, hòa giải ở cơ sở không có sự phân biệt giữa “nguyên đơn” và “bị đơn”, mà chỉ có “các bên” trong mâu thuẫn, tranh chấp
[1]. Các bên sẽ thương lượng và giải quyết tranh chấp dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn của hòa giải viên. Vì vậy, sẽ không còn tâm lý "mất mặt”, xấu hổ hay tức giận và đặc biệt kết quả cuối cùng sẽ không có “bên thắng – bên thua”, ít nhất như vậy sẽ không làm trầm trọng thêm tình trạng đối đầu giữa hai bên do tranh tụng.
- Thứ ba, tính bảo mật thông tin trong hòa giải ở cơ sở
Điều này có nghĩa là hòa giải ở cơ sở không cần phải được tiến hành công khai. Hòa giải viên phải giữ bí mật thông tin mà các bên đã cung cấp cho mình trong quá trình hòa giải và không được tiết lộ cho bất kỳ ai. Theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, thì hòa giải viên phải giữ bí mật đời tư của các bên, trừ trường hợp thấy tranh chấp, mâu thuẫn nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng; trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự thì phải thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cá nhân, cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết. Trong khi đó, tính hợp pháp của bản án cần được đảm bảo thông qua tính công khai, tính công khai là trường hợp chung, không công khai là ngoại lệ. Cụ thể, Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín.
- Thứ tư, tính đơn giản, thuận tiện của thủ tục hòa giải
Việc xét xử yêu cầu toà án phải tuân thủ từng bước theo đúng quy trình, thủ tục tố tụng luật định. Tòa án chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ 03 điều kiện sau đây:
(i) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
(ii) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
(iii) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Nếu Tòa án quyết định giải quyết theo thủ tục rút gọn, vụ án có thể được xử lý nhanh nhưng về cơ bản thì không thể nhanh hơn so với hòa giải ở sơ sở. Bởi, bất kể đó là vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn hay thủ tục thông thường, các bên đều có thể kháng cáo bản án sơ thẩm. Hơn nữa, tại khoản 2 Điều 20 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định rõ, trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.
Thủ tục hòa giải không trang trọng như thủ tục xét xử, nhưng lại linh hoạt và đơn giản hơn thủ tục xét xử. Hòa giải ở cơ sở được thực hiện bởi sự đồng ý của các bên, hòa giải viên không thể buộc các bên chấp nhận ý kiến hòa giải của mình, nên không cần phải sử dụng các thủ tục mang tính bắt buộc và phức tạp để tiến hành hòa giải. Mặc dù không phải tuân theo một quy trình cứng nhắc, dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải viên, các bên vẫn phải thống nhất cao trong từng giai đoạn. Ví dụ như trong giai đoạn đầu của buổi hòa giải, các bên cần thống nhất về nội quy, quy tắc hòa giải mà hòa giải viên nêu ra như thứ tự trình bày vụ việc, quan điểm, yêu cầu…
Quá trình hòa giải là một quá trình mà các bên thương lượng và cuối cùng đạt được thỏa thuận dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải viên về cách giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Mặc dù hòa giải có sự tham gia của hòa giải viên, nhưng về bản chất, các bên vẫn giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, đàm phán. Thương lượng giúp thể hiện đầy đủ ý chí chủ quan của các bên trong quá trình hòa giải, mong muốn của các bên được tôn trọng - và việc giải quyết tranh chấp dựa trên sự đồng thuận của các bên. Đây cũng chính là lý do mà các thỏa thuận hòa giải thành nói chung thường được các bên chủ động thực hiện.
- Thứ năm, tính linh hoạt và đa dạng của các kết quả hòa giải ở cơ sở
Tính linh hoạt và đa dạng của các kết quả hòa giải là một điểm khác biệt lớn giữa hòa giải ở cơ sở và xét xử. Quá trình xét xử là quá trình thẩm phán tìm ra sự thật và áp dụng pháp luật. Trong khi đó, thỏa thuận hòa giải là kết quả thương lượng giữa các bên và do các bên cùng nhau tự nguyện đạt được. Thỏa thuận không vi phạm các quy định cấm của pháp luật, không xâm hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng xã hội, không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba thì sẽ không có vấn đề gì về tính hợp pháp của nội dung thỏa thuận hòa giải. Ví dụ, trường hợp ông bà B chết không để lại di chúc. Ông bà có một người con trai (anh C) và một người con gái (chị D). Tổng giá trị di sản thừa kế ước tính 500 triệu đồng. Như vậy, nếu theo quy định của pháp luật dân sự, anh C và chị D thuộc cùng một hàng thừa kế và mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau là 250 triệu đồng. Anh C thương em gái vất vả, điều kiện khó khăn hơn nên bàn với vợ chỉ nhận 50 triệu đồng lấy lộc của cha mẹ, song chị vợ không đồng ý và tỏ thái độ, kể công chă sóc ông bà B khi ốm đau, bệnh tật. Mâu thuẫn vợ chồng, chị em dâu phát sinh. Anh C nhờ tổ hòa giải hòa giải giúp. Tiếp nhận vụ việc, các hòa giải viên đã gặp gỡ, tiếp xúc, phân tích “tình, lý” cho vợ anh C. Kết quả cuối cùng, vợ anh C đã hiểu và vui vẻ đồng thuận với quyết định của chồng. Vụ việc kết thúc với biên bản hòa giải thành được ký, trong đó anh C nhận 50 triệu, chị D nhận 450 triệu từ di sản thừa kế của ông bà B.
- Và cuối cùng, các bên không phải mất bất cứ chi phí nào khi giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằnghòa giải ở cơ sở
Hầu hết các tranh chấp dân sự và thương mại dựa trên xung đột về lợi ích kinh tế và các bên phải chịu chi phí vận hành của cơ chế giải quyết tranh chấp. Khi các bên lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp, họ sẽ ước tính chi phí và lợi ích và có xu hướng lựa chọn các phương pháp giải quyết tranh chấp có chi phí thấp.
Với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, Tòa án khi xét xử có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhưng so với các phương pháp giải quyết tranh chấp hòa giải ở cơ sở, việc đạt được các mục đích nêu trên đòi hỏi chi phí cao hơn, thậm chí tốn kém. Mặc dù án phí dân sự sơ thẩm (đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch, tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch từ 6.000.000 đồng trở xuống), án phí dân sự phúc thẩm (đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động), lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hônnhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, không cao - chỉ 300.000 đồng, nhưng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án vẫn phải nộp án phí
[2], đồng thời các bên có thể sẽ phải chịu các chi phí như phí thẩm định, phí bảo quản tài sản, phí thi hành án dân sự... Trong khi đó, nếu đưa ra hòa giải ở cơ sở thì là miễn phí, các bên không phải chi trả bất cứ chi phí nào trong quá trình các hòa giải viên hòa giải vụ việc./.
Nguyễn Thị Giang
[1]Là các cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật (khoản 3 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở).
[2] Trừ trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ…; hoặc trường hợp được giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án do gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú (Xem thêm Điều 12, 13 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án