Một điểm mới trong Luật là đưa vấn đề bình đẳng giới vào nguyên tắc hoạt động hòa giải. Khoản 5 Điều 4 quy định nguyên tắc “Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở”. Theo đó, Luật Hòa giải ở cơ sở có tính giới,thể hiện sự bình đẳng giới, quy định chung về giới cho các hòa giải viên, các bên là thành viên gia đình hoặc cá nhân tham gia hòa giải, không có sự phân biệt đối xử về giới, mọi người đều có thể tham gia hòa giải và được hòa giải.
1. Nguyên tắc bình đẳng giới được thể hiện trong các quy định đối với hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải
Nguyên tắc này được thể hiện trong các quy định đối với hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải (từ Điều 7 đến Điều 15) thể hiện sự trung tính về giới, bảo đảm sự bình đẳng về giới trong lựa chọn, bầu hòa giải viên; trong quyền, nghĩa vụ của các hòa giải viên cũng như trong việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải.
Về tiêu chuẩn hòa giải viên, Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân, có hiểu biết pháp luật và tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải. Như vậy, đây là những tiêu chuẩn chung cho cả nam và nữ, không có sự phân biệt đối xử.
Về bầu, công nhận hòa giải viên, Điều 8 của Luật quy định người có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên đều có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên. Như vậy, trong việc bầu và công nhận hòa giải viên cũng không có sự phân biệt về giới tính giữa nam và nữ.
Việc bầu tổ trưởng Tổ hòa giải (Điều 14 Luật Hòa giải ở cơ sở) cũng không có sự phân biệt về giới, theo đó, Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên của tổ để phụ trách tổ hòa giải. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng Ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận.
Về quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, theo quy định tại Điều 9, Điều 10 của Luật, tất cả các hòa giải viên không phân biệt nam, nữ đều có quyền thực hiện các hoạt động hòa giải, được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; được hưởng thù lao theo vụ, việc, được khen thưởng…đồng thời tất cả các hòa giải viên đều có nghĩa vụ thực hiện hòa giải khi có căn cứ quy định tại Luật, tuân thủ các nguyên tắc hòa giải…
Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong tổ chức của tổ hòa giải ở cơ sở, theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Tính hết tháng 12 năm 2020, cả nước có 89.824 tổ hòa giải với 547.764 hòa giải viên, trong đó có 152.715 hòa giải viên nữ, chiếm 28% trên tổng số hòa giải viên trên cả nước
[1]. Như vậy, tính trung bình, các tổ hòa giải có ít nhất 02 hòa giải viên là nữ. Trên thực tế, việc có hòa giải viên nữ trong thành phần tổ hòa giải đã góp phần hiệu quả trong việc bảo đảm cho nguyên tắc bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong hoạt động hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại cộng đồng dân cư.
2. Nguyên tắc bình đẳng giới được thể hiện trong các quy định đối với các bên được hòa giải
Theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, các bên với tư cách thành viên gia đình hoặc cá nhân được hòa giải đều có quyền, trách nhiệm như nhau trong quá trình hòa giải, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Các bên có quyền yêu cầu, lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải; đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải; được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải…
Các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở về địa điểm, thời gian hòa giải, tiến hành hòa giải, hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau, kết thúc hòa giải, thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, hòa giải không thành đều thể hiện sự trung tính về giới, không có sự phân biệt, ưu tiên vì lý do giới tính. Theo đó, địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên; trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải. Khi tiến hành hòa giải, có sự có mặt của các bên, được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên. Tùy thuộc vào vụ việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó. Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy định về phân công hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải, thời gian, địa điểm hòa giải còn được quy định rất linh hoạt, bảo đảm sự phù hợp đối với đặc thù của các bên trong vụ việc, giúp cho hoạt động hòa giải bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ. Theo đó, địa điểm hòa giải có thể do hòa giải viên lựa chọn, trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên hòa giải là phụ nữ thì hòa giải viên phải tính tới yếu tố đặc thù của đối tượng là nữ giới để lựa chọn địa điểm cho phù hợp. Việc hòa giải có thể phải được thực hiện ngay khi hòa giải viên chứng kiến vụ việc trong trường hợp cần thiết, ở đây pháp luật đã dự liệu đến những trường hợp mâu thuẫn gay gắt cần phải tiến hành hòa giải ngay để làm giảm căng thẳng giữa các bên, đặc biệt là đối với các xung đột có một bên là nữ giới. Việc phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải do tổ trưởng tổ hòa giải thực hiện trong trường hợp các bên không lựa chọn hòa giải viên. Tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên tham gia hòa giải phù hợp với từng vụ việc cụ thể trên cơ sở có tính tới đặc thù về giới, bảo đảm quyền của phụ nữ. Ví dụ, hoà giải tranh chấp về hôn nhân gia đình, trong số các hòa giải viên tham gia hòa giải nên có hòa giải viên nữ với sự nhẹ nhàng, khéo léo, kiên trì, nhẫn nại, nắm bắt tâm lý với tấm lòng của người vợ, người mẹ sẽ mang lại kết quả cao hơn. Trong quá trình tiến hành hòa giải, nếu thấy cần thiết thì hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia thì có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc, người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ việc, thành viên của tổ chức xã hội mà một trong các bên là hội viên của tổ chức đó hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải. Như vậy, việc mời người tham gia hòa giải cũng giúp thực hiện tốt hơn quy định về bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ trong các vụ, việc hòa giải mà một bên hoặc các bên tranh chấp là nữ giới. Cụ thể trong trường hợp này, có thể mời đại diện Hội phụ nữ tham gia hòa giải…
Với những quy định nêu trên, trong thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo đảm bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước (chủ yếu do hòa giải vụ việc bạo lực gia đình chỉ là một phần trong tiêu chí chung về các vụ việc về hôn nhân và gia đình của biểu mẫu thống kê về công tác hòa giải ở cơ sở, việc ghi chép Sổ theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở chưa được đầy đủ…) thì từ năm 2014 đến hết năm 2018, hòa giải viên ở cơ sở đã tiến hành hòa giải 26.771 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, hòa giải thành 22.293 vụ việc.
Năm 2020, hòa giải viên ở cơ sở đã tiếp nhận 128.977 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 101.899 vụ việc. Trong đó, số vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình chiếm 1/3 tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải. Các vụ việc hòa giải không thành liên quan đến tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình chỉ chiếm khoảng 6% (8.261 vụ việc). Các vụ việc tiến hành hòa giải đã bảo đảm được thực hiện đúng quy định pháp luật, không xâm phạm các quyền cơ bản của con người, của phụ nữ và trẻ em và đúng đạo lý, qua đó phát huy ưu thế, tác động tích cực của biện pháp hòa giải ở cơ sở, hạn chế sai sót, sơ xuất đẩy vụ việc thành phức tạp. Nội dung vụ việc bạo lực gia đình chủ yếu liên quan đến các mâu thuẫn trong cuộc sống như khó khăn về kinh tế, nợ nần tạo áp lực căng thẳng, bế tắc trong cuộc sống, hoặc chồng cờ bạc, nghiện rượu, không chí thú làm ăn dẫn đến người vợ bị bạo lực, một số trường hợp do mâu thuẫn tình cảm dẫn đến nghi ngờ nhau... Quá trình tiếp nhận vụ việc, nếu không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải cũng đã hướng dẫn các bên tranh chấp đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
Trong quá trình hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, nhất là mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, các hòa giải viên đã góp phần tích cực bảo vệ quyền của phụ nữ trong quan hệ xã hội nói chung và quan hệ hôn nhân – gia đình nói riêng. Theo nghiên cứu về chất lượng dịch vụ tư pháp hình sự hiện nay dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam đa số các vụ việc bạo lực gia đình tại Việt Nam được xử lý bằng biện pháp hòa giải. Đồng thời, thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên đã tích cực tuyên truyền, động viên các thành viên trong gia đình không ngừng phát huy những giá trị đạo đức truyền thống như sự yêu thương, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, kính trên nhường dưới, đối xử công bằng, bình đẳng, không phân biệt về giới…