Liên kết website

Một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thường gặp khi vay vốn

18/10/2022

Trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, giao dịch dân sự diễn ra ngày càng phổ biến. Theo đó, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự được nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng trong thực tiễn.

Theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015, có 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản.
Trong thực tế, một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thường được sử dụng nhiều hơn như cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh, tín chấp. Trong phạm vi bài viết này, xin giới thiệu một số nội dung cơ bản về các biện pháp bảo đảm thường gặp.
  1. Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[1]. Đến hạn, nếu bên vay không trả nợ, tổ chức tín dụng có thể xử lý tài sản cầm cố bằng cách bán tài sản và dùng số tiền bán được để trừ nợ, hoặc tổ chức tín dụng nhận chính tài sản đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay.
Tài sản dùng để cầm cố thường là động sản (tài sản có thể di dời) như điện thoại, xe máy, tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng, sản phẩm thu hoạch được từ trồng trọt, chăn nuôi...
Ví dụ 1: N có nhu cầu vay vốn gấp tại Ngân hàng X để phục vụ nhu cầu sản xuất. Trong khi đó N có một số tiền tiết kiệm tại Ngân hàng X là 100 triệu đồng nhưng chưa đến hạn, N có thể dùng số dư tiền gửi đó làm tài sản bảo đảm để vay vốn Ngân hàng. Ngân hàng yêu cầu N giao bản gốc sổ tiết kiệm cho Ngân hàng giữ cho đến khi N trả nợ đầy đủ cho Ngân hàng. Trường hợp này, biện pháp bảo đảm được các bên sử dụng là biện pháp cầm cố tài sản (cầm cố số dư tiền gửi).
Để xác lập biện pháp cầm cố tài sản, giữa bên cầm cố (bên có tài sản) và tổ chức tín dụng phải có hợp đồng cầm cố (thường là bằng văn bản), có thể lập hợp đồng riêng hoặc là một điều khoản trong hợp đồng vay, trong đó ghi rõ bên cầm cố, bên nhận cầm cố, tài sản cầm cố, khoản nợ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố. Hợp đồng cầm cố tài sản thường được tổ chức tín dụng soạn thảo sẵn theo mẫu của tổ chức tín dụng.
  1. Thế chấp tài sản
Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thế chấp tài sản là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (gọi là bên nhận thế chấp). Bên thế chấp không phải giao tài sản cho bên nhận thế chấp. Đến hạn, nếu bên vay không trả nợ, tổ chức tín dụng có thể xử lý tài sản thế chấp bằng cách bán tài sản và dùng số tiền bán được để trừ nợ, hoặc tổ chức tín dụng nhận chính tài sản đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay.
Tài sản dùng để thế chấp có thể là bất động sản (nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, cây lâu năm…) hoặc động sản (máy móc, thiết bị sản xuất, phương tiện giao thông, hàng hóa, nông sản…). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Biện pháp thế chấp tài sản được áp dụng phổ biến hơn so với cầm cố tài sản vì bên vay vẫn có thể sử dụng tài sản trong cuộc sống hàng ngày, còn bên cho vay không phải tốn công sức, chi phí bảo quản tài sản.
Để xác lập biện pháp thế chấp tài sản, giữa bên thế chấp (bên có tài sản) và tổ chức tín dụng phải có hợp đồng thế chấp (thường là bằng văn bản), có thể lập hợp đồng riêng hoặc là một điều khoản trong hợp đồng vay, trong đó ghi rõ bên thế chấp, bên nhận thế chấp, mô tả rõ ràng tài sản thế chấp, khoản nợ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp. Hợp đồng thế chấp tài sản thường được tổ chức tín dụng soạn thảo sẵn theo mẫu của tổ chức tín dụng.
Khi thế chấp tài sản, bên vay vốn chuyển giao tài sản thế chấp cho bên cho vay, nhưng thường phải giao giấy tờ liên quan đến tài sản cho bên cho vay nắm giữ. Họ vẫn có quyền tiếp tục khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp, được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp. Tuy nhiên, họ sẽ không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp (trừ trường hợp được bên cho vay đồng ý hoặc trường hợp tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất như nông sản, hàng hóa do họ sản xuất ra).
Ví dụ: D thỏa thuận với Ngân hàng K là dùng quyền sử dụng đất của mình đã được Nhà nước cấp Giấy Chứng nhận để bảo đảm cho khoản vay của D tại Ngân hàng K với mục đích mở rộng sản xuất. Trường hợp D không trả nợ hoặc không trả đầy đủ cho Ngân hàng, quyền sử dụng đất của D sẽ được Ngân hàng X xử lý.
  1. Bảo lãnh
Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ[2].
Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể thỏa thuận rằng bên bảo lãnh cầm cố, thế chấp tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp bên vay không trả nợ hoặc không trả nợ đầy đủ, tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải trả nợ thay cho bên vay trong trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ.
Bên bảo đảm trong bảo lãnh được mặc định là người thứ ba. Người thứ ba có thể sẽ dùng tài sản của mình hoặc cam kết thực hiện thay nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính nếu bên có nghĩa vụ có hành vi vi phạm hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền.
Để xác lập biện pháp bảo lãnh, giữa bên bảo lãnh và bên cho vay phải có một hợp đồng bảo lãnh (thường là bằng văn bản). Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản (cầm cố, thế chấp) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Hợp đồng bảo lãnh thường được tổ chức tín dụng soạn thảo sẵn theo mẫu của tổ chức tín dụng.
Ví dụ: Ông H muốn vay vốn tại Ngân hàng Q để phục vụ sản xuất. Bà T là chị gái ông H cam kết với Ngân hàng là sẽ bảo lãnh cho khoản vay của ông H tại Ngân hàng. Theo đó, bà T sẽ trả nợ thay cho ông H trong trường hợp ông H không trả nợ hoặc không trả nợ đầy đủ cho Ngân hàng Q.
  1. Tín chấp
Theo quy định tại Điều 344 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Tổ chức chính trị-xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”.
Có thể nói, tín chấp là một hình thức bảo lãnh vay vốn nhưng khác với bảo lãnh ở một số điểm sau đây:
- Người bảo đảm: Phải là tổ chức chính trị-xã hội tại cơ sở;
- Người được bảo đảm: Là người nghèo thuộc thành viên của tổ chức chính trị - xã hội;
- Đối tượng để bảo đảm: Là uy tín của tổ chức;
- Mục đích vay: Thực hiện sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ được xác định cụ thể trong hợp đồng vay vốn và người vay phải sử dụng vốn đúng với mục đích vay đã được xác định trong hợp đồng;
- Bên cho vay có quyền kiểm soát việc sử dụng vốn vay và có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và thu hồi vốn nếu người vay sử dụng vốn không đúng mục đích đó.
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn. Hợp đồng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của bên vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp.
Tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở (bên bảo đảm bằng tín chấp) chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng cho vay để giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người vay; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn; xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay về điều kiện, hoàn cảnh của người vay khi vay vốn.
Tổ chức tín dụng cho vay có quyền yêu cầu bên bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ; phối hợp với bên bảo đảm bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ.
Ví dụ: Ông K muốn vay vốn tại Ngân hàng M để cho con trai đi xuất khẩu lao động, nhưng không có tài sản để bảo đảm cho khoản vay. Hội nông dân xã nơi ông K cư trú hỗ trợ bằng cách bảo đảm bằng tín chấp cho ông K vay vốn tại Ngân hàng M.
  1. Bảo lưu quyền sở hữu
Điều 331 BLDS 2015 quy định:
"1. Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
2. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.
3. Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.
Trong hợp đồng mua bán tài sản các bên có thể thỏa thuận về mua trả chậm, trả dần. Trường hợp này người mua chỉ có quyền sở hữu khi đã trả hết tiền mua. Để bảo đảm quyền đòi tiền trả chậm, bên bán có thể thỏa thuận với bên mua xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu và đăng ký biện pháp này tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền[3].
Việc ghi nhận bảo lưu quyền sở hữu với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của BLDS 2015 được đánh giá là phù hợp với bản chất “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu nhằm đáp ứng nhu cầu điều chỉnh đối với những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.
Trong bảo lưu quyền sở hữu thì bên bán được quyền kiểm soát việc định đoạt tài sản của bên mua cho đến khi bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán. Ngược lại, nếu bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn thì bên bán có quyền lấy lại tài sản và trả lại tiền cho bên mua sau khi trừ khấu hao sử dụng tài sản.
Vì biện pháp bảo lưu quyền sở hữu chỉ có hiệu lực đối kháng khi đăng ký, cho nên khi xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thì phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán làm cơ sở để thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.
Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên mua có quyền sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực, đồng thời phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Ví dụ: M mua xe máy cho con tại công ty C theo hình thức trả dần, để đảm bảo rằng M sẽ thanh toán đầy đủ tiền, M và công ty C thỏa thuận xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu ghi nhận trong hợp đồng mua bán tài sản và thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm. Lúc này, con của M là bên thứ ba giữ tài sản, nếu M không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì công ty C có quyền truy đòi tài sản từ con của A.
Giao dịch dân sự là hoạt động tất yếu và phổ biến trong đời sống kinh tế, xã hội. Việc thỏa thuận áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có ý nghĩa quan trọng đối với các bên tham gia giao dịch, góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, giúp các bên ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra./.
Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

[1] Biện pháp cầm cố được quy định từ Điều 309 đến Điều 316 Bộ luật dân sự năm 2015.
[2] Quy định tại Điều 335, 336, 337, 339, 342 BLDS năm 2015
[3] Bảo lưu quyền sở hữu được quy định từ Điều 331 đến Điều 334 Bộ luật dân sự năm 2015.
Các tin đã đưa ngày: