Liên kết website

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ và những vấn đề đặt ra

18/10/2023

Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới". Theo đó cùng với sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực, vai trò, vị trí của phụ nữ cũng được nâng lên rõ rệt. Các quy định của pháp luật hiện nay đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

1. Một số vấn đề chung về phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung là quá trình hoạt động có mục đích, có tổ chức, có kế hoạch, theo nội dung và thông qua những phương pháp, hình thức nhất định từ phía chủ thể thực hiện hoạt động PBGDPL, tác động đến đối tượng tiếp nhận PBGDPL nhằm làm hình thành và phát triển ở họ hệ thống tri thức pháp luật, trình độ hiểu biết về pháp luật, tình cảm, thói quen và hành vi xử sự tích cực theo pháp luật[1].
PBGDPL cho phụ nữ là hoạt động PBGDPL hướng đến đối tượng cụ thể là phụ nữ, đây được coi là đối tượng yếu thế trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ, đồng thời thông qua đối tượng này để tác động, lan tỏa niềm tin, tình cảm với pháp luật đến các cá nhân khác có liên quan trong gia đình và xã hội.
Về đặc điểm, PBGDPL cho phụ nữ mang các đặc điểm chung của hoạt động PBGDPL, gồm:
- PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm giúp cho các đối tượng được phổ biến có những tri thức hiểu biết về Nhà nước và pháp luật cũng như tình cảm và thói quen xử sự phù hợp với quy định của pháp luật.
- PBGDPL được tổ chức thực hiện bởi những chủ thể xác định (Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức khác).
- PBGDPL nhằm truyền đạt thông tin, nội dung pháp luật giúp đối tượng được tác động có những hiểu biết nhất định về pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng.
Ngoài ra, PBGDPL cho phụ nữ có một số đặc điểm riêng như:
- Có đối tượng được PBGDPL là phụ nữ.
- Nội dung PBGDPL cho phụ nữ ở tất cả mọi lĩnh vực pháp luật như dân sự, hình sự, hành chính, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông…, trong đó cần tập trung đến các nội dung pháp luật chuyên biệt cho đối tượng  này như  vấn đề pháp luật về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ; lao động nữ; xử lý vi phạm hình sự đối với phụ nữ...
Qua nghiên cứu, công tác PBGDPL cho phụ nữ đã và đang bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, đó là: Hiện nay trong xã hội vẫn tồn tại định kiến giới "trọng nam, khinh nữ", phụ nữ là người phụ thuộc, thụ động, phải dựa dẫm, nội trợ là công việc của phụ nữ, chỉ có nam giới mới có thể đảm nhận những công việc nặng nhọc, những công việc đòi hỏi năng lực tốt… Với những định kiến như vậy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề bình đẳng giới, ảnh hưởng đến cuộc sống của nữ giới, cản trở họ phát triển công việc cũng như ảnh hưởng đến ý thức chủ động trong việc tiếp nhận các thông tin pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích của mình. Bên cạnh đó, yếu tố vùng miền cũng tác động lớn đến việc PBGDPL, tiếp cận thông tin pháp luật của phụ nữ. Sự chênh lệch giữa phụ nữ ở thành thị và phụ nữ ở nông thôn, nhất là phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng là trở ngại lớn trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật cho đối tượng này.
Cùng với sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực, vai trò, vị trí của phụ nữ cũng được nâng lên rõ rệt. Chính vì vậy, công tác PBGDPL cho phụ nữ cũng được quan tâm thông qua một số chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ này. Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về về tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định mục tiêu “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã xác định 04 nhóm giải pháp lớn trong đó nhóm giải pháp đầu tiên là “Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức”. Qua đó thể hiện tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong việc góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ, nâng cao vị trí, vai trò quan trọng của người phụ nữ trong giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Để góp phần nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội, tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới”. Do đó, để đưa chính sách, pháp luật đến với phụ nữ, chúng ta cần thực hiện tốt công tác PBGDPL giúp cho phụ nữ chủ động hơn trong tìm hiểu, nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật.
2. Thực trạng triển khai công tác PBGDPL
Trong những năm qua công tác PBGDPL cho phụ nữ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh đạo các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị. Hàng năm, Bộ Tư pháp đều có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tập trung phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan như Công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế…
Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án có liên quan đến phụ nữ như: Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022, Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân”, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (theo Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ); trong đó hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai công tác phổ biến các nội dung pháp luật liên quan đến quyền của phụ nữ, quyền bình đẳng nam, nữ. Các Chương trình, Đề án này đã góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào quản lý nhà nước, trang bị kiến thức pháp luật cần thiết để bảo vệ phụ nữ trước các hành vi vi phạm có liên quan tới phụ nữ.
          Trong thời gian qua, công tác PBGDPL có vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể để tạo khả năng, cơ hội cho phụ nữ tiếp cận và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thông qua các hình thức PBGDPL cụ thể, phong phú, đạt một số kết quả tích cực, như kết hợp giữa hình thức phổ biến trực tiếp (các hội thi[2], hội nghị sinh hoạt chuyên đề[3], truyền thông[4], tập huấn[5], sinh hoạt hội viên[6], tủ sách pháp luật[7]…); gián tiếp (qua zalo, facebook, fan page, trên Cổng Thông tin điện tử của Hội, trang web của Hội LHPN các các cấp); thông qua các thiết chế ở cơ sở (tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật); qua hoạt động chuyên môn hoặc lồng ghép với các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL), hòa giải ở cơ sở.... Cụ thể như tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị giới thiệu, phổ biến về các văn bản, luật pháp, chính sách mới có liên quan, tập trung vào các nội dung liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; xây dựng chuyên mục “Hỏi – Đáp pháp luật” trên trang thông tin điện tử; thành lập và duy trì nhóm Zalo phục vụ cho công tác phổ biến và trao đổi công việc; tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị để giới thiệu, phổ biến về các văn bản, luật pháp, chính sách mới có liên quan, tập trung vào các nội dung liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam còn thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ thông qua công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư; Thông qua thành lập các Tổ tư vấn, tạo mạng lưới, tăng cường tham vấn chuyên gia là cán bộ của các cơ quan Tư pháp… Hiện nay, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang triển khai một số mô hình PBGDPL điển hình như: Mô hình Ngôi nhà Bình yên[8]; Mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng tại Chi hội phụ nữ khu phố, ấp”[9]; Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”[10]; Mô hình Văn phòng Dịch vụ một điểm đến (OSSO) hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ, được thành lập và vận hành tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang… Qua đó, vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội được nâng lên, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội và nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng.
Mặc dù vậy, công tác PBGDPL cho đối tượng là phụ nữ thời gian qua vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nhiều phụ nữ ở cơ sở, đặc biệt ở những khu vực khó khăn, vùng biên giới hải đảo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chưa được tiếp cận nhiều kiến thức pháp luật về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, kỹ năng ứng xử khi gặp tình huống xảy ra. Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến quyền của phụ nữ có xu hướng gia tăng, chậm được phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời hoặc chưa có giải pháp căn cơ để phòng ngừa, khắc phục triệt để. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế nêu trên, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
- Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về bình đẳng giới, về vai trò năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Bên cạnh đó cũng phải kể đến cả hạn chế trong nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ về quyền lợi của họ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; định kiến về phân biệt đối xử, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội, trong gia đình.
- Nội dung PBGDPL liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, trong đó chủ yếu về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, kỹ năng ứng xử khi gặp tình huống pháp luật chưa được chuyển tải thường xuyên, liên tục thông qua các hình thức, biện pháp cụ thể.
- Hình thức PBGDPL chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế và khả năng tiếp cận pháp luật của phụ nữ. Việc lồng ghép PBGDPL với phong tục tập quán của các vùng dân tộc ít người chưa được quan tâm thực hiện cũng là tồn tại đáng kể trong việc đưa pháp luật đến với phụ nữ ở các dân tộc ít người.
- Công tác phối hợp, báo cáo, phản hồi thông tin giữa bộ, ngành, đoàn thể, cấp hội, cơ quan có trách nhiệm trong PBGDPL, phòng, chống và xử lý các tội phạm xâm hại phụ nữ còn chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên.
3. Các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL cho phụ nữ trong thời gian tới
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút, động viên, khuyến khích cán bộ phụ nữ tham gia công tác PBGDPL .
Thứ hai, tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với công tác này, chú trọng lồng ghép nội dung PBGDPL các quy định pháp luật liên quan tới phụ nữ như pháp luật về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình... trong các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL hằng năm. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương với Hội phụ nữ các cấp trong triển khai công tác PBGDPL cho đối tượng này.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho phụ nữ phù hợp với sự phát triển của giới, đặc biệt là thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể; gắn phổ biến các quy định pháp luật với các kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi xâm hại. Tăng cường, đa dạng các hình thức PBGDPL phù hợp cho phụ nữ, trong đó chú trọng các hình thức, biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin để phụ nữ tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng
Thứ tư, phát huy vai trò của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL của Hội phụ nữ các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực công tác gắn với thực hiện công tác PBGDPL, TGPL, TVPL, HGOCS cho phụ nữ, lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật có hiệu quả, chú trọng truyền thông, PBGDPL cho phụ nữ và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình…
Thứ năm, nâng cao năng lực, hiểu biết cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở về kiến thức, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trong đó đặc biệt chú trọng kỹ năng tư vấn, PBGDPL. Đồng thời, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật.
Thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý hướng tới đối tượng là phụ nữ. Duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia, góp phần phát huy vai trò đại diện của tổ chức trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ; tập trung cho phụ nữ nghèo, thuộc diện chính sách, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, có điều kiện khó khăn; thực hiện lồng ghép PBGDPL,trợ giúp pháp lý cho phụ nữ với các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí; xây dựng phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện bình đẳng giới thông qua các hoạt động PBGDPL; đồng thời tạo dư luận xã hội công khai qua công tác tuyên truyền với những vụ việc xâm phạm phụ nữ.
Thứ bảy, quan tâm bố trí nguồn lực, bao gồm cả nguồn kinh phí để triển khai công tác PBGDPL cho phụ nữ, có chế độ hợp lý đối với lực lượng trực tiếp thực hiện công tác này. Cụ thể: Xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm trong đó có kinh phí riêng cho hoạt động PBGDPL cho phụ nữ; bảo đảm đáp ứng kịp thời, đầy đủ về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho các hoạt động này; Vận động nguồn lực cho công tác PBGDPL cho phụ nữ thông qua việc phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân có tiềm lực; Huy động nguồn lực của mỗi địa phương để đa dạng hóa các hình thức PBGDPL nhằm mang lại hiệu quả cao.
Nguyễn Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Lò Châu Thoả (2020), Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc hiện nay, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.30-31
[2] An Giang: tổ chức Hội thi “Kỹ năng tuyên truyền phổ biến văn bản pháp  luật và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ cho cán bộ Hội LHPN cơ sở” năm 2021.
[3] Bắc Giang
[4] Khánh Hòa: Tổ chức 16 lớp truyền thông tại các xã, phường thuộc 8 huyện trong khuôn khổ đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” gắn với chủ đề năm 2021, tập trung vào nội dung phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. An Giang: tổ chức 33 cuộc tại 11 huyện, thị xã, thành phố cho hơn 1.700 lượt hội viên, phụ nữ tham dự.
[5] Bạc Liêu, Cao Bằng, Bình Thuận, Hải Dương
[6] Bắc Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau
[7] Các cấp Hội Quảng Ninh đang duy trì hơn 184 tủ sách pháp luật với 31.170 đầu sách
[8] HỗCác cấp Hội Quảng Ninh đang duy trì hơn 184 tủ sách pháp luật với 31.170 đầu bCác cấp Hội Quảng Ninh đang duy trì hơn 184 tủ sách pháp luật với 31.170 đầu sách năm 2019, công bố năm 2020ật động  Hác cấp Hội Quảng Ninh  toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý.
[9] Là cách làm sáng tạo trong công tác phổ biến pháp luật của Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình này được thành lập từ năm 2012 tại 319 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Đến tháng 6/2018, đã có 2.031 Tổ tư vấn cộng đồng/2.043 khu phố, ấp với 8.119 thành viên (trong đó có 6.901 nữ, chiếm 85%). Từ năm 2012 đến 2018, các thành viên Tổ Tư vấn trên địa bàn Thành phố đã tư vấn được 41.728 lượt trường hợp
[10] Bình Dương đã xây dựng được 382 “Địa chỉ tin cậy công đồng” với 1.241 thành viên; Bắc Kạn đã thành lập và duy trì hoạt động của 282 “Địa chỉ tin cậy công đồng”.
Các tin đã đưa ngày: