Liên kết website

Bình đẳng giới nhìn từ công tác hòa giải ở cơ sở và những vấn đề đặt ra

27/03/2023

Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư và cũng là một phương thức để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Bình đẳng giới nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển. Như vậy, cả hòa giải ở cơ sở và bình đẳng giới đều hướng đến mục tiêu thực hiện dân chủ, công bằng, văn minh.

Ở nước ta, nhiều vụ, việc mâu thuẫn, xung đột trong gia đình mà một bên là phụ nữ hoặc đối tượng dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo... thường lựa chọn con đường giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, hoặc tìm người có uy tín trong cộng đồng đứng ra giải quyết. Do đó, việc thực hiện bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là của phụ nữ khi họ là một trong các bên liên quan của mâu thuẫn và xung đột.
Xác định được vị trí và tầm quan trọng của công tác này, với mục đích tạo điều kiện để mọi cá nhân, không phân biệt nam hay nữ, giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc có cơ hội như nhau trong việc sử dụng hòa giải ở cơ sở giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định bảo đảm bình đẳng giới là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần tích cực vào thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất, hiệu quả.
1. Ý nghĩa của việc bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở
Bình đẳng giới được hiểu là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Vì vậy, để đảm bảo bình đẳng giới thực chất, toàn diện hơn cần bảo đảm bình đẳng giới ngay từ trong các hành vi ứng xử hàng ngày, từ cách giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cuộc sống ở cộng đồng dân cư.
Việc bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với các bên tranh chấp, mâu thuẫn nói riêng và xã hội nói chung. Cụ thể:
  • Góp phần đảm bảo sự công bằng và bình đẳng của các bên liên quan: Nhận thức được sự khác nhau trong mối quan tâm, nhu cầu, nguyện vọng và năng lực khác nhau giữa phụ nữ và nam giới sẽ giúp hòa giải viên hướng dẫn các bên tìm được giải pháp phù hợp nhất dựa trên việc đảm bảo bình đẳng giới, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên (đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số khi họ có mâu thuẫn, tranh chấp cần được hòa giải). Qua kết quả khảo sát tại 6 tỉnh về hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Học viện Phụ nữ Việt Nam (VWA) và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển (DEPOCEN) phối hợp thực hiện năm 2019 đã chỉ ra rằng mâu thuẫn, xung đột trong gia đình chiếm phần lớn các vụ việc hòa giải tại cơ sở. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là phụ nữ.
  • Góp phần bảo đảm bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn: Phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương khác như người dân tộc ít người, người khuyết tật, trẻ em, và người cao tuổi là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, do đó họ thường có nguy cơ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, hay bị xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp (ví dụ như là nạn nhân của bạo lực). Họ cũng thiếu các cơ hội tiếp cận công bằng tới các phúc lợi xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản của nhà nước, các dịch vụ trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật để có thể đảm bảo quyền lợi của bản thân và gia đình. Hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở sẽ giúp người dân ở cơ sở hiểu rõ hơn các vấn đề về giới, bình đẳng giới, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương (người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, dân tộc thiểu số), từ đó giúp giải quyết được gốc rễ các vấn đề đồng thời đảm bảo sự công bằng cho mọi thành viên trong xã hội.
Tại Việt Nam, hòa giải ở cơ sở là một cơ chế giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp được sử dụng phổ biến trong cộng đồng dân cư. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, năm 2022, các tổ hòa giải trên cả nước đã tiếp nhận 99.624 vụ việc, trong đó tỷ lệ hòa giải thành đạt 81.8%. Vì vậy, nếu thực hiện tốt việc bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở sở sẽ góp phần bảo đảm bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn.
  • Hoạt động hòa giải có hiệu quả hơn, các giải pháp hòa giải bền vững hơn: Việc thu thập thông tin đầy đủ và cân nhắc tới các vấn đề giới từ tất cả các bên liên quan giúp xác định rõ, đúng và toàn diện những vấn đề then chốt trong mâu thuẫn, tranh chấp; giúp đưa ra những giải pháp hữu hiệu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Các giải pháp được đưa ra dựa trên thông tin đầy đủ và có quan tâm tới nhu cầu, lợi ích và mối quan tâm của từng giới sẽ giúp gia tăng tính đồng thuận, cam kết và trách nhiệm của các bên có mâu thuẫn/tranh chấp.
2. Thực trạng bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở
2.1. Một số kết quả đạt được
Ở Việt Nam cũng như nhiều nước phương Đông khác từ lâu đã tồn tại tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Sự bất bình đẳng giới đã ăn sâu trong các quan hệ xã hội, hình thành cách ứng xử bất bình đẳng giữa nam và nữ. Là người dễ bị tổn thương, chịu đựng sự bất bình đẳng, người phụ nữ chịu sự thiệt thòi, bất công trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong quan hệ hôn nhân và gia đình, thậm chí cả khi xảy ra bạo lực trong gia đình hoặc trong sinh hoạt cộng đồng, việc hòa giải cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm bất bình đẳng giới, người chồng bảo gì thì người phụ nữ phải tuân theo, người phụ nữ không có vị thế độc lập, bình đẳng với nam giới mà phụ thuộc vào người chồng, người nam giới. Để khắc phục tình trạng này, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người phụ nữ trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam và nữ, Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở xác định một trong những nguyên tắc quan trọng của hòa giải là “bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở” (khoản 5). Vấn đề hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong hôn nhân và gia đình, nhất là các vụ việc bạo lực gia đình liên quan mật thiết và trực tiếp đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ cũng như những người dễ bị tổn thương trong xã hội, do đó, nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực này mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Nguyên tắc này thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước ta trong việc bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và được cụ thể hóa trong nội dung quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Theo đó, để cụ thể hóa nguyên tắc này, Luật Hòa giải ở cơ sở đã có các quy định trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Về tổ chức, khoản 1 Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định: “… Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ”. Theo quy định này, trong các thành viên của tổ hòa giải phải có hòa giải viên là nữ.
Hòa giải viên nữ tham gia tổ hòa giải không chỉ với tư cách là đại diện cho phụ nữ ở cộng đồng mà còn là những người thấu hiểu tâm lý của phụ nữ, dễ gần gũi, tiếp cận với phụ nữ khi tiến hành hòa giải, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, chống phân biệt đối xử về giới, định kiến giới. Mặt khác, các quy định về cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải như tiêu chuẩn, phương thức bầu hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, cũng như quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải và tổ hòa giải ở cơ sở đều không được phân biệt đối xử nam, nữ, cần bảo đảm bình đẳng giới.
Về hoạt động, bảo đảm bình đẳng giới không chỉ thể hiện ở việc quy định thành phần tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ, mà còn bảo đảm không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong toàn bộ hoạt động hòa giải ở cơ sở thể hiện thông qua các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình hòa giải, quy định về phân công hòa giải viên, lựa chọn địa điểm hòa giải, trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải, biên bản hòa giải, thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành... Điều này đã giúp phần bảo đảm các bên tham gia hòa giải bình đẳng, không phân biệt đối xử nam, nữ.
Sau hơn 09 năm, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, thực hiện nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới, vị trí, vai trò của nữ giới trong công tác hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố và tăng cường. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 84.460 tổ hòa giải với 527.343 hòa giải viên ở cơ sở. Trong đó, có 150.499 hòa giải viên nữ, chiếm 28.5% hòa giải viên ở cơ sở. Hầu hết các tổ hòa giải ở cơ sở đều có hòa giải viên nữ. Nhiều nơi, số lượng hòa giải viên nữ chiếm tỷ lệ cao như Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 43.6%), Thành phố Hải Phòng (chiếm 39.4%), Thành phố Hà Nội (chiếm 38.9%), tỉnh Quảng Ninh (chiếm 38.7%)…
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở về kiến thức pháp luật cũng như về bình đẳng giới đã được quan tâm, tổ chức. Thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, năm 2020, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã  biên soạn và phát hành Tài liệu về bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở. Tài liệu đã được chỉnh lý, hoàn thiện năm 2022 và đăng tải trên Trang thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để các hòa giải viên, tập huấn viên về hòa giải cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức và người dân có thể khai thác, sử dụng. Đồng thời, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho 177 tập huấn viên cấp tỉnh của các tỉnh/thành phố, 116 tập huấn viên cấp huyện, 201 hòa giải viên ở cơ sở của một số tỉnh về bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở. Thông qua tập huấn, tập huấn viên, hòa giải viên có hiểu biết thêm các kiến thức cơ bản về giới, nhận diện được một số vấn đề giới tồn tại trong công tác hòa giải ở cơ sở, những nguyên nhân và thách thức của các vấn đề giới, góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên, đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở.
2.2. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở vẫn tồn tại một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, tỷ lệ hòa giải viên nữ còn thấp và thường xuyên biến động
Theo số liệu nêu trên, tỷ lệ hòa giải viên nữ vẫn thấp so với tổng số hòa giải viên (chiếm 28.5%). Ở một số địa phương, cơ cấu tổ hòa giải ở cơ sở chưa có hòa giải viên nữ theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013… Thực tiễn cho thấy đội ngũ hòa giải viên nói chung và hòa giải viên nữ nói riêng thường xuyên biến động.
Hòa giải viên nam và hòa giải viên nữ có kinh nghiệm, nhận thức, đánh giá, cảm xúc, quan niệm… khác nhau đối với những vấn đề liên quan đến giới trong các vụ việc hòa giải. Do đó, đối với những vụ việc liên quan đến vấn đề giới do hòa giải viên nữ thực hiện hòa giải có thể có cách thức tiến hành khác với hòa giải viên nam, dẫn đến kết quả hòa giải có thể khác nhau. Chính vì vậy, đối với các vụ việc hòa giải có cả hòa giải viên nam và hòa giải viên nữ tham gia sẽ đảm bảo giải quyết tốt hơn các vấn đề giới, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của các bên.
Đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình, đặc biệt là các vụ việc bạo lực gia đình - vụ việc mà ở đó sự bất bình đẳng giới, định kiến giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em gái thường thể hiện rõ nét nhất, việc có hòa giải viên nữ tham gia hòa giải với vai trò chủ trì hoặc phối hợp với hòa giải viên nam tiến hành hòa giải thì đều tạo được tâm lý thoái mái cho nạn nhân bị bạo lực giới. Với sự nhẹ nhàng, khéo léo, kiên trì, nhẫn nại, sự đồng cảm của những người cùng giới, hòa giải viên nữ thường dễ tiếp cận, thu thập thông tin về mâu thuẫn, tranh chấp, nhất là những thông tin nhạy cảm, thầm kín, phụ nữ khó chia sẻ với người khác giới, giúp hòa giải viên có được những thông tin cần thiết, đôi khi là mấu chốt giúp giải quyết vụ việc đạt kết quả.
Thứ hai, kiến thức về giới, bình đẳng giới và kỹ năng xử lý các vụ việc liên quan đến giới và bình đẳng giới của hòa giải viên còn hạn chế
Để bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở, ngoài kiến thức pháp luật về lĩnh vực tranh chấp, mâu thuẫn, hòa giải viên cần phải có kiến thức về giới, bình đẳng giới và các kỹ năng cần thiết.
Trên thực tế, vẫn còn tình trạng hòa giải viên thường tập trung tới mâu thuẫn, tranh chấp thay vì nhìn nhận toàn diện vấn đề chi phối hành vi của các bên như giới tính, văn hóa, tôn giáo và nhận thức về giới. Một số hòa giải viên còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm về giới khi tiến hành hòa giải. Ví dụ như sử dụng ngôn ngữ và thái độ mang tính định kiến giới khi nhắc đến phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật hoặc khuyên nhủ phụ nữ cam chịu, nhẫn nhịn các hành vi bất bình đẳng giới... Điều này sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả và chất lượng của các cuộc hòa giải, sự tín nhiệm của người dân với công tác hòa giải cũng như tới nỗ lực chung của xã hội trong việc đạt được bình đẳng giới thực chất.
Thứ ba, nhận thức về giới, bình đẳng giới của người dân nói chung và người được hòa giải nói riêng còn hạn chế
Người dân nói chung và người được hòa giải nói riêng chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về giới, bình đẳng giới. Định kiến giới, phân biệt đối xử về giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như một thói quen, nếp nghĩ nhưng người dân chưa nhận thức được những điều đó sẽ dẫn đến bất bình đẳng giới giữa nam và nữ.
Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và phong tục, tập quán lạc hậu còn duy trì ở một vài nơi là một trong những nguyên nhân cản trở phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương (người nghèo, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số) tiếp cận các thông tin về quyền của bản thân và cơ hội của họ, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn khi gặp phải các mâu thuẫn, tranh chấp.
Việc thiếu nhận thức về bình đẳng giới của các bên mâu thuẫn, tranh chấp làm hạn chế việc chủ động đưa ra quan điểm, thể hiện nhu cầu, nguyện vọng của bản thân; cũng như chủ động đề xuất và lựa chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu và mong muốn. Do vậy, có thể ảnh hưởng tới thời gian và kết quả của hòa giải, thậm chí có thể khiến cho các vụ việc hòa giải kéo dài hơn dự kiến.
2.3. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế trên là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Ngoài ra, trong xã hội ngày nay, đâu đó vẫn còn thiếu sự công nhận hoặc đánh giá thấp vai trò của phụ nữ khi tham gia giải quyết các tranh chấp. Đồng thời, một số phụ nữ còn tự ti, chưa mạnh dạn, chủ động, tích cực tham gia hòa giải tại cơ sở.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho hòa giải viên chưa chú trọng nhiều tới các nội dung về giới, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em.
3. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở
Để góp phần bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành từ trung ương xuống đến cấp xã đối với tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên vừa là điều kiện vừa là biện pháp có tính quyết định đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó, tạo điều kiện cho việc thuận lợi không chỉ công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở (chỉ đạo, hướng dẫn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng hòa giải; tôn vinh, khen thưởng Tổ hòa giải, hòa giải viên…) mà còn triển khai các hoạt động hòa giải cụ thể, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền thể hiện qua những nội dung như:
- Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiện toàn các tổ hòa giải và hòa giải viên để từ đó có các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và quy định các chế độ đãi ngộ đội ngũ này.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng đối với các tổ hòa giải và hòa giải viên;
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong hòa giải các vụ việc có liên quan đến giới, bình đẳng giới.
Thứ hai, tiếp tục truyền thông, phổ biến pháp luật về giới, bình đẳng giới
Cần tiếp tục tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về giới, bình đẳng giới dưới các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Thứ ba, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên kiến thức về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới, kỹ năng hòa giải nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở.
Để bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở, ngoài việc cung cấp cho hòa giải viên kiến thức về giới, bình đẳng giới, cần trang bị cho đội ngũ này một số kỹ năng cần thiết để đảm bảo bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở như kỹ năng giao tiếp có hiểu biết giới, kỹ năng phân tích thông tin, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các tài liệu tập huấn cho hòa giải viên về lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải với phương pháp dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng như: tài liệu tập huấn, sổ tay bỏ túi, các video bài giảng điện tử, tình huống hòa giải mẫu... nhằm nâng cao việc trang bị kiến thức, hướng dẫn kỹ năng hòa giải bảo đảm bình đẳng giới để các địa phương tập huấn, bồi dưỡng hoặc cấp phát cho hòa giải viên.
Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ hòa giải theo hướng tăng cường hòa giải viên là nữ.
Điều này là hết sức cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp cần phối hợp chặt chẽ để giới thiệu nữ giới có đủ điều kiện tham gia hòa giải ở cơ sở.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. (1) Bảo đảm cung cấp đủ các tài liệu cần thiết cho hoạt động hòa giải cơ sở, đặc biệt tài liệu về giới và pháp luật về bình đẳng giới, tài liệu pháp luật về hòa giải ở cơ sở; (2) Bảo đảm kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hòa giải viên; (3) Bảo đảm kinh phí chi trả thù lao cho hòa giải viên nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ hòa giải viên.
Về cơ bản, bất bình đẳng giới tăng dần từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược và từ trung ương đến cơ sở. Có thể thấy rằng, ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi thì ở nơi đó các hủ tục và bất bình đẳng giới, định kiến giới còn tồn tại. Do đó, để thúc đẩy bình đẳng giới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp (trọng tâm là ở cơ sở), cần xóa bỏ định kiến giới từ mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và như thế sẽ lan tỏa ra cả cộng đồng. Hòa giải viên ở cơ sở là người sinh sống tại cộng đồng dân cư, khi được trang bị kiến thức về bình đẳng giới sẽ giúp hòa giải viên có ứng xử bảo đảm bình đẳng giới từ trong gia đình đến cộng đồng và ngoài xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng giới thực chất, hiệu quả ngay tại cơ sở./.
Nguyễn Thị Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: