Liên kết website

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng

11/06/2019

Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự nghiệp xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, thì phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân mà trước hết và chủ yếu là của các cấp uỷ Đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, phương châm thực hiện là vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là cơ bản. Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng là một trong những giải pháp phòng ngừa hết sức quan trọng. Sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là Luật) được thông qua, công tác triển khai thi hành Luật được triển khai đồng bộ từ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến thực thi các quy định của Luật trên phạm vi toàn quốc, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2010 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016, Kế hoạch số 329/KH-UBND ngày 03/4/2012 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” (gọi tắt là Đề án 4061), việc triển khai tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Sau khi Đề án 4061 được ban hành, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện Đề án. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã phối hợp và dành thời gian để thực hiện nhiệm vụ của thành viên, bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng; thực hiện chế độ thống kê báo cáo theo quy định... Các cơ quan tham gia Đề án đã xác định rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL nói chung, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng nên thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này ở ngành, địa phương mình. Ban Chỉ đạo Đề án 4061 đã phối hợp với Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng, trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, các doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lý, UBND các huyện, thị xã, thành phố  đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong kế hoạch PBGDPL hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã lựa chọn nội dung tuyên truyền tác động tích cực đến mọi độ́i tượng, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và yêu cầu của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Sở Tư pháp phát huy tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Đề án 4061 trong tham mưu định hướng, hướng dẫn công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.  Trong 5 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã toàn tỉnh đã lồng ghép tổ chức được khoảng 16.334 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, buổi tuyên truyền, PBGDPL… cho hơn 127.812 lượt người. Cấp phát trên 245.972 cuốn tài liệu (sách, sổ tay, tài liệu khác..); in ấn và phát hành 390.930 tờ gấp, 714.248 tấm (tờ) băng rôn, pa nô, áp phích, trong đó có lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng.  Ngoài ra, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn được chuyển tải thông qua các số của Mục “Tiếp chuyện bạn nghe Đài”; Chuyên mục “Với khán giả xem truyền hình”; Chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên sóng phát thanh, sóng truyền hình của địa phương và Chuyên mục “Phòng chống tham nhũng” trên trang 7 Báo Quảng Bình… Đây là những kênh thông tin phổ biến những quy định mới của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định của pháp luật có liên quan, trả lời các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng còn được lồng ghép trong hoạt động xét xử của tòa án hai cấp, vào hoạt động giảng dạy trong nhà trường… Sau khi Đề án kết thúc, nội dung tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì trong quá trình triển khai hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và trở thành một nội dung quan trong trọng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh còn có một số khó khăn, hạn chế như: Sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương có lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Đội ngũ làm công tác PBGDPL chủ yếu là kiêm nhiệm  chưa thật sự chủ động và chưa làm tốt vai trò tham mưu về công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng; Tính tự giác, tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cá nhân chưa cao; Điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện còn thiếu, nhất là về kinh phí. Vì vậy, việc thực hiện tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn.
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL về phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, thiết nghĩ cần phải có sự cố gắng, nỗ lực của toàn xã hội và thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo của các ngành, các địa phương trong công tác PBGDPL, từ đó tạo sự gắn kết giữa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, ban, ngành và của chính quyền địa phương đối với công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, quán triệt, triển khai sâu rộng Chỉ thị số 32 - CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân và Kế hoạch số 19-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 - CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và các văn bản về công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL về phòng chống tham nhũng nói riêng; gắn việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW với việc thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; kết hợp việc triển khai toàn diện các hoạt động PBGDPL về phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh;
Thứ ba, tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền PBGDPL, áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, chọn lọc, phát triển các mô hình, biện pháp PBGDPL hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân. Đẩy mạnh tổ chức hội nghị trao đổi đa chiều, tổ chức các Hội thi, cuộc thi. Mở nhiều chuyên mục mang tính chuyên sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho mọi đối tượng, chú trọng hướng về cơ sở, các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo...; chú trọng giáo dục pháp luật trong hệ thống trường học, kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống; kết hợp tuyên truyền pháp luật với thi hành pháp luật, đấu tranh, phê phán những tiêu cực vi phạm pháp luật, tham nhũng đang diễn ra trong đời sống xã hội…;
Thứ tư, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức làm công tác PBGDPL, đội ngũ làm công tác PBGDPL; có chính sách hợp lý đối với các đối tượng này; tăng cường kinh phí cho hoạt động PBGDPL;
Thứ năm, đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập để hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.
Với sự quan tâm, chung tay, góp sức của toàn xã hội, tin tưởng rằng, công tác tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giáo dục để người dân yêu mến pháp luật, có tình cảm với pháp luật từ đó sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đưa công tác PBGDPL lên một tầm cao mới./.
Đoàn Hòa, Sở Tư pháp Quảng Bình
Các tin đã đưa ngày: