Liên kết website

Lạng Sơn: Thay đổi diện mạo nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

10/11/2021

Nhân Ngày pháp luật Việt Nam, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Dương Xuân Huyên – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh Lạng Sơn.

Thưa ông Dương Xuân Huyên, Ngày pháp luật Việt Nam được tỉnh Lạng Sơn triển khai như thế nào?

Ông Dương Xuân Huyên: Theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 lấy ngày 09/11 hàng năm là “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Để triển khai thực hiện Ngày pháp luật, ngày 12/5/2011 Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-HĐPHCTPBGDPL triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Theo đó giao mỗi cơ quan, đơn vị trong tháng phải dành ít nhất 01 buổi sinh hoạt ngày pháp luật, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục hàng năm. Năm 2021 là năm thứ 10, thực hiện “Ngày pháp luật”, UBND tỉnh đã Kế hoạch số 212/KH-UBND Tổ chức hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2021.

Theo Kế hoạch, các hoạt động cao điểm hưởng ứng Ngày pháp luật đang được các cấp, các ngành triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức như thông qua các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền trên các Trang Thông tin điện tử, trên các trang mạng xã hội… bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, hướng mạnh về cơ sở; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL; Kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong công tác PBGDPL đồng thời phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.


Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò của Ngày pháp luật với công tác thực thi pháp luật trên đại bàn?

Ông Dương Xuân Huyên: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, bên cạnh những mặt thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, cũng còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức trong thực thi chính sách pháp luật vì hiểu biết pháp luật của nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, các xã biên giới còn nhiều hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân có lúc, có nơi chưa được nghiêm, đòi hỏi công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần tiếp tục được thực hiện thường xuyên, gắn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hình thức PBGDPL có hiệu quả, đảm bảo tính kịp thời, thiết thực nhất, giúp cho nhân dân , nhất là đối tượng vi phạm pháp luật nhận thức sâu sắc các quy định của pháp luật một cách cụ thể, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng, góp phần có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên đại bàn.

Vai trò Ngày pháp luật đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Xuân Huyên: Thông qua việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, góp phần thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, Bộ luật, Luật, Pháp lệnh, Nghị định, … mới ban hành; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh liên quan trực tiếp, thiết thực đến cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Với mục đích đưa hoạt động PBGDPL trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời quán triệt, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người sử dụng lao động; cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả thực thi công vụ; xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh; Tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội. Tăng cường pháp chế ở cơ sở, thực hiện phương châm “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam 
Các tin đã đưa ngày: