Liên kết website

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

14/09/2022

Trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục phát luật, phát huy vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhờ đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn Thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trên địa bàn Thành phố đã phát huy tốt vai trò tư vấn cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, là cơ quan liên kết, điều phối hoạt động giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác PBGDPL
Hàng năm, căn cứ Luật PBGDPL và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố đều được rà soát, kiện toàn đảm bảo số lượng, thành phần theo quy định[1]. Hiện nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố Hồ Chí Minh có 43 thành viên, trong đó: Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Giám đốc Sở Tư pháp, các thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo của các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn Thành phố. Một số cơ quan, đơn vị có thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL để triển khai PBGDPL tại cơ quan, đơn vị như: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ đội biên phòng Thành phố. Tại địa phương, 21/21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL. Định kỳ hàng năm, thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc phù hợp với thực tiễn Thành phố và quy định hiện hành. Trong 10 năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố đã kiểm tra tại 50 sở, ngành và 50 quận, huyện. Riêng Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện đã chủ động kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn theo thẩm quyền.

Đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL đã phát huy tối đa vai trò là người đi tiên phong trong công tác PBGDPL, là cầu nối truyền tải pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn
Xác định đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là lực lượng nòng cốt đi đầu, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp Nhân dân, nên đội ngũ này thường xuyên được rà soát, củng cố, kiện toàn và hoạt động phát huy hiệu quả. Toàn Thành phố có 130 báo cáo viên pháp luật Thành phố; 469 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 2.830 tuyên truyền viên cấp xã, 334 công chức tư pháp thực hiện công tác PBGDPL; 53 cán bộ pháp chế thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Các báo cáo viên pháp luật Thành phố công tác ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, có trình độ từ cử nhân trở lên, nhiều người trong số đó là thạc sỹ, tiến sỹ, chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật; báo cáo viên pháp luật thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến pháp luật, kỹ năng biên soạn tài liệu, kỹ năng nói chuyện trước công chúng... nhờ đó hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật Thành phố được thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả hơn. Các lực lượng khác như: công chức pháp chế các sở, ban, ngành; tuyên truyền viên pháp luật; hòa giải viên ở cơ sở; công chức tư pháp quận, huyện; công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn; cộng tác viên trợ giúp pháp lý; báo cáo viên của các tổ chức đoàn thể, ngành; giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật... cũng được tăng cường về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng báo cáo viên pháp luật bằng tiếng Hoa cho địa bàn có đông người Hoa sinh sống[2]. Thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý”, đội ngũ luật gia, luật sư đã tham gia công tác PBGDPL ngày càng tích cực và chủ động.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát và phục vụ kịp thời, hiệu quả việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy Đảng và chính quyền Thành phố, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và đối tượng được phổ biến
Xác định PBGDPL là một trong các công tác quan trọng nhằm đưa pháp luật đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi, hình thành những thói quen tốt, hướng người dân sống và chấp hành quy định của pháp luật. Do đó, các ngành, địa phương chú trọng lựa chọn nội dung phổ biến phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và lĩnh vực quản lý. Các nội dung PBGDPL được quan tâm, quán triệt, triển khai thường xuyên như: các chủ trương của Đảng liên quan đến công tác PBGDPL; Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các luật mới được Quốc hội thông qua; các chủ trương, quan điểm, chính sách trong các dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua trong năm (dự thảo Hiến pháp, dự thảo Bộ luật Dân sự, dự thảo Bộ luật Hình sự...); các chủ trương, chính sách, văn bản về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành pháp luật; các quy định pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, các quy định pháp luật mới ban hành thuộc các chuyên ngành, lĩnh vực trọng tâm, quan trọng trong kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước nên các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư, kinh doanh phát triển mạnh mẽ đem đến nhiều cơ hội, song cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng phát sinh các tranh chấp quốc tế. Do đó, Thành phố cũng đã chú trọng phổ biến, giới thiệu những nội dung của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan đến người dân, doanh nghiệp, tập trung phổ biến quy định của Hiệp định đối tác toàn diện và chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP),  Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, pháp luật về cộng đồng ASEAN; các Điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên; các thỏa thuận ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới...

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được đổi mới
Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm nghiên cứu thực hiện, lựa chọn những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác PBGDPL để thực hiện nhân rộng trên phạm vi địa phương và toàn Thành phố, có thể kể đến mô hình “Sách nói pháp luật” dành cho các đối tượng là người mù, do Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Hội người mù Thành phố thực hiện, tổ chức ghi âm, biên tập và đăng tải được 11 chương trình sách nói pháp luật trên website (sachnoionline.com), góp phần tuyên truyền 35 Luật, pháp lệnh và phát hành 2.700 đĩa CD đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các Trường đặc biệt dành cho người khuyết tật; mô hình chữ nổi của quận 3, Chương trình MP3 của Quận Tân Phú dành cho người khuyết tật;...

Tiếp tục sử dụng và ngày càng phát huy tính hiệu quả của mô hình phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, mang tính phổ biến hiện nay là hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp. Để nâng cao hiệu quả của hình thức này, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xác định đúng nhu cầu PBGDPL, chú trọng đầu tư vào nội dung PBGDPL (nội dung phù hợp với đối tượng được phổ biến và gắn với tình hình thực tiễn, những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp, người dân); báo cáo viên pháp luật (mời báo cáo viên pháp luật là chuyên gia, có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực báo cáo); trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ.

Việc biên soạn, phát hành các tài liệu PBGDPL cũng được chú trọng cả hình thức và nội dung. Đối với cán bộ, công chức, viên chức: các cơ quan, đơn vị, địa phương phát hành sách pháp luật nguyên bản để tự nghiên cứu hoặc sách cẩm nang pháp luật theo dạng hướng dẫn xử lý tình huống, “cầm tay chỉ việc”.  Đối với người dân, doanh nghiệp, phát hành nhiều tài liệu pháp luật đa dạng, phong phú, cụ thể: Tài liệu tuyên truyền ngắn: được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, chọn lọc những nội dung phù hợp thực tiễn cuộc sống mà người dân quan tâm, có hình ảnh minh họa; tài liệu hỏi đáp; tờ tin, bản tin của địa phương; tài liệu dành cho người dân tộc thiểu số (người Chăm, Hoa, Khmer)...

Bên cạnh đó, hình thức PBGDPL thông qua đối thoại, tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo cũng được đánh giá cao vì bằng hình thức này đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời, giải đáp trực tiếp những vấn đề mà cá nhân, tổ chức quan tâm. Ngoài ra, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2021, việc lồng ghép PBGDPL thông qua tổ dân phố, hội nghị tiếp xúc cử tri, mạn đàm tiểu sử của ứng cử viên… được đánh giá cao vì người dân được trực tiếp tiếp xúc, lắng nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải thích, tư vấn pháp luật nên sự tiếp thu, tính thuyết phục cao hơn.

Việc tăng cường PBGDPL trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả
Thực tiễn cho thấy, vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được nâng cao và chiếm vị trí hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp, giải pháp để PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố, cụ thể như: Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, Đài Truyền hình Thành phố và các Báo của Thành phố (Báo Sài Gòn giải phóng, Sài Gòn giải phóng Hoa văn, Báo Tuổi trẻ, Báo Pháp luật Thành phố, Báo Phụ nữ Thành phố, Báo Khăn quàng đỏ) đã xây dựng, duy trì và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về PBGDPL: Chuyện không của riêng ai, Công dân và Pháp luật, “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Công chức, viên chức, người lao động với pháp luật”, “Học sinh, sinh viên với pháp luật”, 10 phút tiếp dân, Lắng nghe và trao đổi, Chuyện nhỏ mà không nhỏ (của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh); Phản hồi đến Bạn nghe đài, Tư vấn pháp luật, Pháp luật và cuộc sống, Gõ cửa luật sư, Câu chuyện truyền thanh (của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh); À ra thế, Nhà nước – Công dân, Luật sư của bạn (của Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)…

Thành phố đã chủ động xây dựng và thực hiện thành công “Đề án tăng cường PBGDPL trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2018” (kèm theo Quyết định số 4176/QĐ-UBND ngày 24/8/ 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố), với sản phẩm chính là Cổng thông tin điện tử Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn), ra mắt ngày 06/11/2018 nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018. Từ đó đến nay, Cổng thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố đã đăng tải hơn 2.500 tin, bài PBGDPL, đề cương tuyên truyền, tài liệu tuyên truyền ngắn, bài giảng, hình ảnh, videoclip...

Các cơ quan nhà nước chủ động tổ chức họp báo định kỳ để cung cấp thông tin cho báo chí; các cơ quan, đơn vị, địa phương đầu tư, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Vì vậy, sản phẩm PBGDPL ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người được PBGDPL, đặc biệt là đối tượng đặc thù, người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, ngư dân, người khuyết tật, người lao động tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong 02 năm (2020 - 2021) tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước nói chung và địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, phát huy được vai trò, tầm quan trọng của công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới, qua đó, góp phần triển khai nhanh chóng, chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống dịch đến toàn thể Nhân dân trên địa bàn Thành phố, tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước./.
Nguyễn Thị Giang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
 

[1] Quyết định số 5549/QĐ-UBND ngày 10/10/2013; Quyết định số 6385/QĐ-UBND ngày 26/12/2014; Quyết định số 3823/QĐ-UBND ngày 03/8/2015; Quyết định số 1374/QĐ-UBND ngày 24/3/2016; Quyết định số 3751/QĐ-UBND ngày 04/9/2019; Quyết định số 3687/QĐ-UBND ngày 29/10/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố.
[2] Các cơ quan, đơn vị, địa phương có báo cáo viên pháp luật, tuyên tuyền viên pháp luật là người đồng bào dân tộc thiểu số: Quận 4, Quận 3, Quận 6, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận Bình Tân, Quận Tân Phú, Quận Phú Nhuận, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, Ban Dân tộc Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố.
Các tin đã đưa ngày: