Qua 10 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL, công tác PBGDPL được thực hiện thường xuyên, các nội dung pháp luật tập trung tuyên truyền đã bám sát theo Kế hoạch công tác PBGDPL hàng năm của UBND tỉnh với hình thức đa dạng, phong phú. Hình thức PBGDPL trực tiếp được sử dụng rộng rãi nhất là qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn, truyền thông tại cộng đồng, đối thoại chính sách (năm 2013 đến nay đã tổ chức được 85.711 cuộc cho 13.662.090 lượt người). Tài liệu PBGDPL đã được biên soạn theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn, đáp ứng tính thời sự và yêu cầu phổ biển pháp luật trong từng giai đoạn với (từ năm 2013 đến nay đã biên soạn được 5.105.601 bản phát hành miễn phí, trong đó tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số là 4.024 bản). Hình thức thi tìm hiểu pháp luật cũng được chú trọng với 4.237 cuộc thi thu hút 2.938.263 lượt người tham gia với nhiều hình thức đa dạng như: thi sân khấu hóa, thi trực tuyến, thi viết, thi vẽ tranh...Các hình thức áp dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được chú trọng như: Giải đáp pháp luật; tổ chức đối thoại chính sách Giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng TTĐT (Liên đoàn Lao động tỉnh); tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh); đăng tải tin, bài trên các trang facebook, zalo tiêu biểu như: Page “Mặt trận Nghệ An”, “Tỉnh đoàn Nghệ An”, "Phụ Nữ Nghệ An”, “Công an tỉnh Nghệ An”, “Tư pháp Diễn Châu”, “Tư pháp Quỳ Hợp”...; Tổ chức các Hội nghị trực tuyến, sinh hoạt trực tuyến để tuyên truyền các văn bản mới, triển khai tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, tư vấn pháp luật tiêu biểu...
Một số mô hình được thành lập hoạt động có hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như: Mô hình câu lạc bộ “Thời sự pháp luật” tại thị xã Cửa Lò; “phiên tòa giả định” tại thị xã Hoàng Mai và được nhân rộng tại các huyện Diễn Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương ...;
Công tác PBGDPL trong nhà trường được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng: tập huấn, tuyên truyền miệng, biên soạn cấp phát tài liệu, tổ chức cuộc thi, hoạt động ngoại khóa, lồng ghép với cuộc họp, tổ chức kí cam kết không vi phạm an toàn giao thông cho tất cả các trường học trên địa bàn. Nhiều mô hình hiệu quả được xây dựng như: “Trường học hạnh phúc” “Phiên tòa giả định”; “Rung chuông vàng”... đã thu hút được sự quan tâm tham gia đông đảo của học sinh, tạo hứng thú và đạt hiệu quả tuyên truyền cao. Nhìn chung công tác giáo dục pháp luật trong trường học trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả tốt.
Việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật luôn được tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị, địa phương, có sự đổi mới, sáng tạo hơn qua từng năm với nhiều hình thức đa dạng. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật, tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hiệu quả, tổ chức các hoạt động làm điểm nhấn trong công tác PBGDPL từ cấp tỉnh đến cơ sở: tổ chức Hội nghị tôn vinh hòa giải viên tiêu biểu; tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013; “Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành”; “thi viết kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền về quyền dân sự, chính trị năm; tổ chức các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa “Hòa giải viên giỏi”; “Thanh niên với an toàn giao thông”; “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi”; tổ chức các cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”; “Tìm hiểu Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”; tổ chức hội nghị tổng kết khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện các Đề án về PBGDPL trên địa bàn tỉnh năm 2020, 2021, thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”…
Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp được kiện toàn tổ chức, ban hành quy chế hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng bảo đảm tính thiết thực, chủ động của các cơ quan thành viên; cơ bản thực hiện tốt chức năng tư vấn cho UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Công tác xây dựng, quản lý, sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn. Hiện nay, có 110 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 829 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 5.954 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tại một số đơn vị đã được xây dựng theo ngành dọc từ cấp tỉnh đến cơ sở như: Công an, Hội liên hiệp Phụ nữ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt”. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về trách nhiệm triển khai nhiệm vụ PBGDPL tại đơn vị, địa phương; tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, trong đó chú trọng PBGDPL trong nhà trường và cho các đối tượng đặc thù; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL tại địa phương./.
Nguyễn Thị Thùy Dương
Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An