Liên kết website

Hà Giang: Phát huy vai trò của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong triên khai công tác phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh

15/10/2022

Qua 05 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

1. Công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở
Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN đã phối hợp với Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức được trên 3000 cuộc tuyên truyền cho trên 100 nghìn lượt hội viên, phụ nữ được tiếp thu. Trong đó tiêu biểu như: Phối hợp tổ chức được 102 “Ngày hội pháp luật”, 194 cuộc truyền thông cộng đồng bằng hình thức sân khấu hóa hưởng ứng Ngày Pháp luật tại các tại các chợ phiên, trường học. Nội dung phố biến tập trung vào các văn bản Luật mới được ban hành và các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Trẻ em và tuyên truyền các quy định quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh Covid-19...
Ngoài công tác tuyên truyền PBGDPL, các cấp Hội còn phối hợp can thiệp thành công 160 cặp có ý định tảo hôn (tiêu biểu như: Hội LHPN huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần); tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kết quả, vận động được 6.423 hộ gia đình ký cam kết xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không tảo hôn; vận động được 68 hộ theo đạo trái pháp luật quay trở lại phong tục tập quán của địa phương tại 2 xã Nậm Ban, Lũng Chinh (Mèo Vạc).
Đội ngũ Công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã cùng với cán bộ Hội ở cơ sở đã phối hợp với, chính quyền, các đoàn thể thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở. Từ năm 2018 đến nay đã phối tham gia hòa giải thành công 272 vụ việc chủ yếu về liên quan đến mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn hàng xóm...
2. Công tác tư vấn pháp luật
Ngành Tư pháp phối hợp với các cấp Hội tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật cho hội viên, phụ nữ thông qua các buổi truyền thông pháp luật, “Ngày hội Pháp luật”, thông qua điện thoại, tiếp công dân, tham vấn... chủ yếu tư vấn pháp luật về các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đối với trẻ em gái, giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân....Kết quả, đã tư vấn cho 315 trường hợp.
3. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2019, Hội LHPN tỉnh chủ trì phối hợp Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tham vấn lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); trong đó tập trung các nội dung liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới với 25 đại biểu các ngành tham dự; các cấp Hội đã tham gia đóng góp ý kiến vào 312 dự thảo luật và các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch; trong đó tập trung góp ý các nội dung có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. 
4. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội LHPN các cấp và ngành Tư pháp
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện/thành phố mở được 40 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp, cập nhật kiến thức mới với 2.446 lượt Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chi hội trưởng tham gia; trong đó có nội dung về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về pháp luật, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở; phương pháp xử lý các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em.
5. Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách 
Các cấp Hội chủ động phối hợp tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật như: Giám sát về thực hiện Khoản 1, Khoản 3 Điều 8 và Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới;... Kết quả: các cấp Hội đã tổ chức giám sát được 476 cuộc (cấp tỉnh 04 cuộc; cấp huyện, thành phố 61 cuộc; cấp cơ sở 411 cuộc). Thông qua giám sát, đã kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng nhiều vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trẻ em; tham mưu tổ chức 88 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên, phụ nữ và 115 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu các cấp Hội với hội viên, phụ nữ để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, kiến nghị chính đáng của hội viên, phụ nữ góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ trong các lĩnh vực, trong đó có chính sách, luật pháp.
6. Đẩy mạnh, nhân rộng các hình thức, biện pháp phối hợp triển khai hiệu quả
 Tiếp tục duy trì hoạt động câu lạc bộ, như:  "Phụ nữ tìm hiểu pháp luật", “Phụ nữ với pháp luật và đời sống”, "Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em", "Không sinh con thứ 3", “Trách nhiệm và chia sẻ” và mô hình “Chi hội phụ nữ không có chồng con nghiện ma túy,..
Có thể thấy, thông qua việc thực hiện Chương trình phối hợp, vai trò của các cấp Hội LHPN trong công tác tuyên truyền PBGDPL, tư vấn pháp luật, hòa giải cơ sở đã được phát huy giúp góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, phụ nữ, người dân trên địa bàn tỉnh. 
Lưu Công Thành
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: