Góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về nông thôn mới
Tại lễ trao giải chung kết Cuộc thi, ông Vưu Nghị Bình – Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: “Cuộc thi nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, học viên, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nông thôn mới, chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, học viên, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Nội dung Thi tìm hiểu pháp luật về các lĩnh vực nông thôn mới; chuẩn tiếp cận pháp luật; khiếu nại; tố cáo; tiếp công dân; tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thủ tục hành chính. Nội dung thi sẽ được thiết kế trong Bộ câu hỏi tương ứng với các lĩnh vực pháp luật trong đợt thi được Ban tổ chức cuộc thi ban hành. Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh (đối với đối tượng là học sinh bao gồm học sinh bậc trung học phổ thông và tương đương trở lên)”.
Cuộc thi thu hút nhiều đối tượng và số lượng thí sinh tham gia
Qua 3 tháng tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật” năm 2022 (gọi tắt là Cuộc thi), (từ ngày 15/12/2022 – 15/3/2023) đã tạo ra sức lan tỏa lớn, tạo hiệu ứng xã hội trên diện rộng và để lại nhiều dấu ấn tích cực, đến nay Cuộc thi đã kết thúc, Ban Tổ chức Cuộc thi báo cáo kết quả đạt được. Toàn tỉnh đã có 9.969 lượt thí sinh đăng ký thi (trong đó, đợt 1 có 4.039 lượt thi; đợt 2 có 2.542 lượt thi; đợt 3 có 3.388 lượt thi) với nhiều đối tượng có nghề nghiệp khác nhau như: Học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân, nội trợ,... Trong đó, bài dự thi kết thúc sớm nhất là 14 giây và qua 03 tháng thi, Ban Tổ chức lựa chọn được 21 thí sinh có kết quả cao nhất để trao giải cá nhân hàng tháng và chọn được 11 thí sinh có kết quả thi cao nhất, đúng Thể lệ cuộc thi để trao giải chung cuộc.
Đồng thời, cơ quan, đơn vị có số lượt thí sinh tham gia dự thi nhiều nhất là: Trường THPT Lê Thị Riêng; Trường Đại học Bạc Liêu; Trường THPT Tân Phong; xã Minh Diệu – huyện Hòa Bình; Trường THPT Bạc Liêu; Trường THPT Nguyễn Trung Trực; Trường THPT Giá Rai… Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn 7 giải tập thể để trao giải chung cuộc.
“Ban Tổ chức Cuộc thi phát huy cao vai trò, trách nhiệm, đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc; xây dựng Bộ câu hỏi - đáp án kịp thời, chất lượng; đảm bảo cuộc thi diễn ra đúng thời gian, kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã bám sát chỉ đạo của Ban Tổ chức Cuộc thi; chủ động trong ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo ở cấp, ngành mình; có các biện pháp tổ chức, chỉ đạo sát sao, thực hiện linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, công tác truyền thông, phổ biến được triển khai thực hiện tốt, đã thu hút đông đảo mọi thành phần trong xã hội tham gia dự thi.
Đồng thời, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương nên Cuộc thi đã thu hút nhiều đối tượng và số lượng thí sinh tham gia, qua đó đã góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về nông thôn mới, chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, học viên, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, ông Vưu Nghị Bình – Giám đốc Sở Tư pháp Bạc Liêu, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi nói./.
Thời gian cuộc thi, từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 15/3/2023, chia làm 3 đợt thi (mỗi đợt thi 30 ngày). Thiết bị dự thi là các thiết bị điện tử có kết nối Internet. Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký duy nhất một tài khoản dự thi với số điện thoại của mình bao gồm số điện thoại và điền đầy đủ các thông tin đăng ký (họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; đơn vị dự thi; số CMND/CCCD; email); trong đó thông tin phải đảm bảo chính xác theo Giấy khai sinh (hoặc Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân) để Ban tổ chức có cơ sở xem xét trao thưởng khi đạt giải.
Mỗi tháng sẽ có 7 giải dành cho 7 thí sinh có kết quả thi cao nhất. Giải chung cuộc chia 2 loại: Giải cá nhân cho thí sinh có tổng kết quả thi của 3 tháng cao nhất. Thứ tự xếp hạng được xét từ cao xuống thấp tương ứng với cơ cấu giải thưởng theo tiêu chí: Điểm thi, thời gian thi và số lần tham gia thi của thí sinh để Ban tổ chức quyết định. Giải tập thể là các trường học, cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều thí sinh dự thi và kết quả thi cao theo tiêu chí xếp hạng. Trong đó chung cuộc có 18 giải thưởng dành cho tập thể, cá nhân
Giải thưởng cá nhân hàng tháng là 300.000 đồng/giải. Giải thưởng chung cuộc trong đó giải cá nhân gồm giải Nhất: Giấy khen và tiền thưởng trị giá 3 triệu đồng/giải; giải Nhì: Giấy khen và tiền thưởng trị giá 2 triệu đồng/giải; giải Ba: Giấy khen và tiền thưởng trị giá 1,5 triệu đồng/giải; giải Khuyến khích: Giấy khen và tiền thưởng trị giá 1 triệu đồng/giải. Giải tập thể gồm giải Nhất: Giấy khen và tiền thưởng trị giá 5 triệu đồng/giải; giải Nhì: Giấy khen và tiền thưởng trị giá 4 triệu đồng/giải; giải Ba: Giấy khen và tiền thưởng trị giá 3 triệu đồng/giải; giải Khuyến khích: Giấy khen và tiền thưởng trị giá 2 triệu đồng/giải.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam