Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động từ năm 1998 khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được ban hành. Ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cụ thể hoá và ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai trong hệ thống và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp trong đó chỉ đạo thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở gắn với Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư cộng đồng ở xã, phường, thị trấn.
Để kịp thời triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL, đồng thời biên soạn, phát hành hơn 1.000 quyển tài liệu Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP đến đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL; Biên tập, phát hành 2.000 Bản tin Tư pháp Bình Thuận có nội dung chuyên đề về Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP đến các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Đài Phát thanh&Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình phỏng vấn “Tìm hiểu Luật Hòa giải ở cơ sở” để phát trên sóng truyền hình thông qua Chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”;...
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp phối hợp với ngành Tư pháp, chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.
Kết quả 10 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Hội đồng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức 286 lớp phổ biến giáo dục, pháp luật với 24.882 lượt người là cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cơ sở tham dự; tuyên truyền hơn 2.365 cuộc với 485.884 lượt người tham dự; giải thích, trả lời và tư vấn về pháp luật cho hơn 208.946 công dân tại cụm dân cư, hộ gia đình; chuyển tải cho 24.691 lượt người mượn sách pháp luật để tìm hiểu; phát trên hệ thống truyền thanh ở xã, phường, thị trấn với các buổi sáng, chiều hàng ngày với thời lượng hơn 8.642 giờ; thông qua các trang mạng xã hội (facebook, fanpage, website ) đã đăng tải 2.532 tin, bài tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp in ấn, phát hành cung cấp hơn 40.620 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền. Tổ chức các đợt tập huấn hỗ trợ về kiến thức pháp luật cũng như nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho 78 Câu lạc bộ pháp luật, 372 Nhóm nòng cốt…
Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải đảm bảo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Theo số liệu thống kê đến năm 2022, toàn tỉnh có 694 Tổ hòa giải với 4.295 Hòa giải viên. Xuất phát từ vai trò, vị trí của Tổ hòa giải là tổ chức quần chúng của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra nên số lượng, cơ cấu thành viên của các Tổ hòa giải phong phú, đa dạng. Trung bình mỗi Tổ hòa giải có từ 05 - 08 tổ viên tùy theo đặc điểm cụ thể của từng địa bàn dân cư. Cơ cấu tổ viên của Tổ hòa giải có nam, nữ, lớn tuổi, trẻ tuổi, đảng viên, đoàn viên, đại diện của tất cả các tổ chức chính trị xã hội trong cộng đồng dân cư ở địa phương như Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, Nông dân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, khu phố, cán bộ hưu trí, người cao tuổi,... Đa số Hòa giải viên đều là những người có am hiểu về pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng vận động, thuyết phục, luôn gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, nhiệt tình, tự nguyện tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 19.645 vụ việc, trong đó đã tổ chức hòa giải thành 14.982 vụ việc (đạt tỷ lệ 76,26 %), hòa giải không thành 4.663 vụ việc (đạt tỷ lệ 23,74 %). Các vụ việc tiến hành hòa giải chủ yếu là giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác; tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con, quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình, cấp dưỡng, xác định cha, mẹ, con, nuôi con nuôi, ly hôn;… Trong quá trình thụ lý vụ việc hòa giải, bằng sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, văn hóa xã hội, kinh nghiệm sống, đạo lý tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa vợ chồng, tình cảm gia đình, phong tục, tập quán, ca dao, tục ngữ, truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, kết hợp với việc vận dụng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, nhiều Tổ hòa giải đã có những lập luận chặt chẽ, nêu rõ ràng, cụ thể, chính xác cơ sở pháp lý và đưa ra phương án giải quyết, xử lý tình huống, mâu thuẫn “thấu tình đạt lý”, đúng theo quy định của pháp luật, qua đó các bên tranh chấp “tâm phục, khẩu phục” hóa giải mâu thuẫn đi đến thỏa thuận, thống nhất và hàn gắn tình cảm.
Qua 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó có sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này nên đã khích lệ, động viên các Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.
Các Tổ hòa giải ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn về cơ cấu tổ chức, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng cao. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư được Tổ hòa giải thụ lý, tư vấn, giải quyết kịp thời, dứt điểm, vì vậy hạn chế rất nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của Nhân dân, giảm tải công tác giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nhận được sự tin tưởng cao của người dân, kết quả hòa giải đều đạt được sự đồng thuận cao từ cộng đồng dân cư, thể hiện qua việc tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ việc nhận hòa giải. Người dân tại địa bàn dân cư khi có xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp đều tìm đến Tổ hòa giải nhờ giải quyết, như vậy có thể thấy hiệu quả đáng mừng từ hoạt động hòa giải ở cơ sở đã tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư. Kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với Nhân dân tại cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận./.
Hải Lam Tường
Sở Tư Pháp Bình Thuận