Liên kết website

Kết quả 05 năm thực hiện Chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh Long An

28/08/2023

Trong 05 năm qua Hội Luật gia và ngành Tư pháp tỉnh Long An đã triển khai và thực hiện nghiêm túc Chương trình phối hợp số 2727/CTPH-BTP-HLGVN ngày 25/7/2018 (Chương trình phối hợp), phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh của mỗi bên, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, có thể kể đến một số kết quả như sau:

Công tác hướng dẫn, chỉ đạo
Sau khi Chương trình phối hợp được ban hành, Sở Tư pháp tỉnh Long An đã phối hợp với Hội Luật gia tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Long An (Quy chế phối hợp); đồng thời, triển khai, hướng dẫn cho các huyện, thị xã và thành phố ban hành kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở địa phương mình.
Hàng năm, Sở Tư pháp và Hội Luật gia tỉnh (Tỉnh hội) tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác phối hợp thực hiện Chương trình phối hợp, Quy chế phối hợp trong Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.
Công tác xây dựng văn bản QPPL
Trong thời gian qua, Hội Luật gia tỉnh đã phối hợp rà soát, nghiên cứu nhằm phát hiện các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn nhằm kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp và các lĩnh vực công tác có liên quan đến tổ chức và hoạt động, quyền và lợi ích chính đáng của Hội Luật gia.
Kết quả qua 05 năm,Hội Luật gia tỉnh tham gia đóng góp 61 dự án luật do Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức và một số văn bản QPPL do HĐND tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành. Hội Luật gia cấp huyện và các chi hội trực thuộc Tỉnh hội tham gia đóng góp trên 760 ý kiến cho các dự án Luật của Trung ương và địa phương ban hành.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL, nhất là sinh hoạt Ngày pháp luật định kỳ, thực hiện Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11) theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và thành phố tham mưu UBND cùng cấp ban hành kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, đoàn thể cấp huyện, các xã, phường, thị trấn trong đó có Hội Luật gia các cấp.
Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành; các luật, văn bản pháp luật lĩnh vực, ngành thuộc phạm vi quản lý; các dự thảo chính sách, pháp luật về dân sự, hình sự, lao động, hôn nhân và gia đình, đất đai, thuế, khiếu nại, tố cáo, bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, pháp luật về an toàn giao thông, pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; pháp luật về biển, đảo; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid - 19 và các chính sách có liên quan đến công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid- 19…
Hình thức tuyên truyền: Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội; sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ phòng chống tội phạm; sinh hoạt “Ngày pháp luật” định kỳ; thông qua việc xây dựng, thực hiện quy ước của ấp, khu phố; quy chế cơ quan; điều lệ của tổ chức hội; tư vấn, hỏi đáp pháp luật… Song song với công tác tuyên truyền PBGDPL được thực hiện trực tiếp, các cấp Hội còn phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền PBGDPL trên loa, đài truyền thanh; phát huy nhóm Zalo, Facebook ...
Kết quả, đã thực hiện được 4.976 cuộc, với 158.970 lượt người tham dự, trong đó Hội cấp huyện, chi hội cơ sở đã trực tiếp tuyên truyền được 467 cuộc, với 24.680 lượt người dự.
Công tác hòa giải ở cơ sở
Thực hiện hướng dẫn của Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về việc củng cố tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở, các huyện, thị xã và thành phố thường xuyên củng cố tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.002 Tổ hòa giải với 5.989 hòa giải viên. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đã tổ chức tập huấn, phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn,  bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hơn 5.000 đại biểu tham dự, trong đó có hòa giải viên là hội viên Hội Luật gia; tổ chức cấp phát 7.200 Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên cho các huyện, thị xã và thành phố.
Hàng năm, Phòng Tư pháp phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật mới cho Tổ trưởng, Tổ phó và hòa giải viên ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hòa giải thành ở cơ sở. Theo thống kê, hàng năm tỷ lệ hòa giải thành ở Long An đều đạt trên 91%, kết quả đó cũng thấy được một phần sự tham gia tích cực, nhiệt tình của hòa giải viên là hội viên của Hội Luật gia trên địa bàn tỉnh.
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh hội kết hợp thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao đã tiếp tục triển khai, quán triệt pháp luật về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên Hội Luật gia, các tư vấn viên pháp luật thuộc các Trung tâm tư vấn pháp luật (sau đây gọi là TTTVPL) của Tỉnh hội, các huyện, thị, thành hội và cán bộ, công chức ở cơ sở được 91 cuộc với hơn 2.000 lượt người dự. Ngoài ra, TTTVPL của Tỉnh hội còn cử Luật gia tham gia làm cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh để phối hợp làm nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân. Trong 05 năm, TTTVPL của Tỉnh hội đã tư vấn pháp luật do 550 trường hợp, trong đó có 283 trường hợp tư vấn miễn phí cho các hộ chính sách và hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, tham gia tố tụng tại Tòa án được 11 vụ, việc. Ngoài ra, TTTVPL tỉnh còn phối hợp với Ban Giám thị Trại giam Long Hòa, Thạnh Hòa (Bộ Công an) tư vấn pháp luật được 18 đợt cho hơn 1.880 phạm nhân sắp mãn hạn tha tù.
Chi hội Luật gia Công an tỉnh phối hợp các đơn vị chuyên môn và các huyện, thị xã, thành phố cùng với các cơ sở thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021”, đã phối hợp hướng dẫn cơ sở tham gia quản lý, nhận cảm hóa giáo dục được 493 người thuộc diện đối tượng trên cư trú ở địa phương, tái hòa nhập cộng đồng; năm 2020-2021, Tỉnh hội đã ban hành Kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí ở 24 xã cho hơn 550 người.
Một số Hội Luật gia huyện, thành phố có TTTVPL đã tư vấn miễn phí 1552 vụ, việc; phối hợp cơ quan chuyên môn tư vấn lưu động miễn phí ở 19 xã được 10 cuộc có 259 người dự. Chi hội Luật gia Thanh tra tỉnh kết hợp các bộ phận chuyên môn trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã tham mưu lãnh đạo giải quyết 99 đơn, qua đó tuyên tuyền, giải thích pháp luật cho 36 lượt người dân, có 07 trường hợp rút đơn tố cáo. Đặc biệt, các Trung tâm pháp luật cộng đồng (TTPLCĐ) ở cơ sở đã tham gia tư vấn pháp luật miễn phí được 657 vụ, việc.
Các hoạt động, mô hình hiệu quả trong thực hiện lồng ghép, hỗ trợ phát huy vai trò, huy động đội ngũ hội viên Hội Luật gia tham gia vào các nội dung phối hợp nêu trên
Phối hợp thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021’’ trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Đề án xã hội hóa), Ban Thường vụ Tỉnh hội thống nhất với Sở Tư pháp chọn Mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng (TTPLCĐ) và được UBND tỉnh đồng ý đưa vào Kế hoạch nhiệm vụ Nhà nước giao hằng năm. Đến nay, toàn tỉnh có 86/188 xã, phường, thị trấn thành lập TTPLCĐ (chiếm 45,74%), huy động hơn 1.140 người tham gia vào Ban Chủ nhiệm, cộng tác viên TTPLCĐ (trong đó lực lượng ngoài biên chế nhà nước có 532 người). Trong 05 năm các TTPLCĐ đã tuyên truyền pháp luật được 2.174 cuộc có 49.568 người dự; tham gia tư vấn pháp luật miễn phí được 657 vụ, việc; tham gia hòa giải ở cơ sở thành 1.358 vụ, việc.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi các thành phần thuộc diện đối tượng được thụ hưởng chính sách về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn tình hình phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện và đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp Hội Luật gia thực hiện xây dựng Mô hình "Niềm tin trợ giúp" thực hiện thí điểm trên địa bàn huyện và đã nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn huyện. Mô hình được xây dựng theo quan điểm phục vụ miễn phí trên các lĩnh vực TGPL, TVPL theo quy định pháp luật hiện hành và qua đó đã tạo lập niềm tin, chỗ dựa bảo đảm quyền con người, quyền tiếp cận pháp luật trên địa bàn huyện mang tính khả̉ thi cao; việc thực hiện sáng kiến đã mang lại lợi ích thiết thực cho các cá́ nhân, tổ chức và cơ quan quản lý Nhà nước có́ liên quan.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp và Hội Luật gia tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, thực hiện tốt Chương trình phối hợp, quan tâm lồng ghép, gắn việc thực hiện Chương trình, Quy chế phối hợp với việc tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về PBGDPL khác trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả; quan tâm cơ cấu cán bộ Hội Luật gia cấp tỉnh, huyện tham gia làm thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; cộng tác viên trợ giúp pháp lý./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: