Liên kết website

Đắk Lắk: Tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh năm 2023

24/08/2023

Ngày 18/8/2023, tại phân hiệu trường Đại học luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Đắk Lắk” năm 2023. Đến dự Hội thi có các đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thi; Đồng chí Phan Thị Hồng Thắng, Giám đốc Sở Tư pháp Phó trưởng Ban tổ chức Hội thi; các đồng chí thành viên Ban Tổ chức Hội thi, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; và đặc biệt là 45 thí sinh đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố, đây là những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc, đại diện cho 13.452 hòa giải viên trong toàn tỉnh tham gia tranh tài tại Hội thi cấp tỉnh và sự hiện diện của đông đảo các cổ động viên, khán giả, các em học sinh phân hiệu trường Đại học luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đến cổ vũ cho Hội thi.

Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa các thí sinh đã trải qua 3 phần thi, đó là: Phần thi giới thiệu (Đội thi giới thiệu ngắn gọn sinh động, ấn tượng nhất về bản thân, đơn vị, địa phương, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng hình thức thích hợp như: Kịch, tiểu phẩm, thơ, ca, hò, vè, bài chòi…); phần thi kiến thức gồm: Thi trắc nghiệm (3 đội thi một lượt mỗi đội thi được chọn 01gói gồm 05 câu hỏi trắc nghiệm đồng thời 3 đội cùng đưa ra đáp án bằng hình thức giơ bảng có ký hiệu A, B, C, D hoặc ký 3 hiệu Đ (Đúng), S (Sai) tối đa phần thi này là 15 điểm); thi xử lý tình huống (nhóm thi gồm 3 đội sẽ bốc thăm trả lời câu hỏi xử lý tình huống về mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Điểm tối đa phần thi này là 30 điểm; trong đó, điểm nội dung tối đa 20 điểm, điểm kỹ năng tối đa 10 điểm); phần thi tiểu phẩm (Đội thi biểu diễn tiểu phẩm bằng hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu khác phù hợp thể hiện các tình huống, vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong các lĩnh vực pháp luật phát sinh tại cộng đồng dân cư thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở và được hòa giải thành công. Tối đa của phần thi là 40 điểm, trong đó điểm nội dung tối đa là 15 điểm, điểm hình thức thể hiện, diễn xuất, đạo cụ, trang phục… tối đa là 25 điểm).
Các thí sinh tham gia tranh tài rất quyết liệt, điểm số bám đuổi rất sít sao; đặc biệt, phần thi tiểu phẩm các thí sinh đã khéo léo lồng ghép kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, tập quán, đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tài năng diễn xuất một cách sáng tạo, dí dỏm tạo nên những tiểu phẩm hấp dẫn, sống động, nhất là cách giải quyết tình huống hài hòa, có lý có, tình qua đó chuyển tải được nhiều thông tin và tạo sự lan tỏa, thu hút sự chú ý của nhân dân. 
Sau một ngày tranh tài cùng với sự nỗ lực của Ban Giám khảo, cùng với quá trình theo dõi sát sao của Ban Tổ chức trong xuốt 3 tháng qua và đã đánh giá chính xác kết quả như sau:
Giải Nhất tập thể dành cho các địa phươngthuộc về huyện huyện Krông Pắc; giải Nhì thuộc về huyện Cư M’gar và giải Ba thuộc về huyện Ea Kar đây là những tập thể có thành tích tốt trong công tác triển khai hội thi ở cấp huyện.
Giải cho các đội tham gia Hội thi: đội thi TP. Buôn Ma Thuột đã xuất sắc giành giải Nhất và đại diện cho tỉnh tham gia vòng thi khu vực Hội thi “Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV”, sẽ được tổ chức vào tháng 9/2023 tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa); Giải Nhì thuộc về các đội: huyện Krông Năng và huyện Krông Ana; Giải Ba thuộc về các đội: thị xã Buôn Hồ, huyện Ea Súp và huyện Krông Bông; 9 huyện đạt giải Khuyến khích là: Krông Pắc, M’Drắk, Lắk, Ea Kar, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Cư Kuin và Ea H’leo.
Cùng với đó, Ban Tổ chức cũng trao giải đội thi giới thiệu ấn tượng nhất cho huyện Lắk và đội thi có tiểu phẩm hay nhất cho huyện Krông Ana.
Qua Hội thi có thể nhận thấy hội thi là kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật hiệu quả đến đông đảo tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, mỗi hòa giải viên cũng là một tuyên truyền viên góp phần đưa pháp luật đến với đời sống nhân dân và quan trọng hơn là cảm hoá, giáo dục ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho các bên nói riêng và cho toàn thể nhân dân tại địa phương nói chung. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Đắk Lắk năm 2018 đã diễn ra thành công rực rỡ.
Nguyễn Thị Diễm Hằng
Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk
Các tin đã đưa ngày: