Liên kết website

Bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở - Thực trạng và giải pháp

25/04/2022

Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Ở Việt Nam, trong nhiều vụ việc có liên quan đến mâu thuẫn, xung đột trong gia đình và các bên liên quan, trong đó có phụ nữ và các nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo... thường lựa chọn con đường giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, hoặc tìm người có uy tín trong cộng đồng đứng ra giải quyết. Do đó, hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng để góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là của phụ nữ khi họ là một trong các bên liên quan của mâu thuẫn và xung đột. Vấn đề bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở là thực sự cần thiết với mục đích tạo điều kiện để mọi cá nhân, không phân biệt nam hay nữ, giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc có cơ hội như nhau trong việc sử dụng hòa giải ở cơ sở giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra. Thực hiện tốt việc bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở sẽ góp phần đảm bảo sự công bằng của các bên liên quan, bảo đảm bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn, qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Một số kết quả đạt được
Luật Hòa giải ở cơ sở đã có các quy định đảm bảo bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động của hòa giải ở cơ sở.
Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở là một nguyên tắc được quy định trong Luật Hòa giải ở cơ sở (khoản 5 Điều 4), thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước ta về thực hiện bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và những cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về thúc đẩy bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử... Nguyên tắc này nhằm thực hiện pháp luật bình đẳng giới, đồng thời khắc phục tình trạng có nơi, có lúc còn phân biệt đối xử về giới trong thực tiễn hoạt động hòa giải.

Về tổ chức, khoản 1 Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định:…”Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ”. Theo quy định này, trong có cấu các thành viên của tổ hòa giải phải có hòa giải viên là nữ.

Hòa giải viên nữ tham gia tổ hòa giải không chỉ với tư cách là đại diện cho phụ nữ ở cộng đồng mà còn là những người thấu hiểu tâm lý của phụ nữ, dễ gần gũi, tiếp cận với phụ nữ khi tiến hành hòa giải, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, chống phân biệt đối xử về giới, định kiến giới. Mặt khác, các quy định về cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải như tiêu chuẩn, phương thức bầu hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, cũng như quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải và tổ hòa giải ở cơ sở đều không được phân biệt đối xử nam, nữ, cần bảo đảm bình đẳng giới.

Về hoạt động, bảo đảm bình đẳng giới không chỉ thể hiện ở việc quy định thành phần tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ, mà còn bảo đảm không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong toàn bộ hoạt động hòa giải ở cơ sở thể hiện thông qua các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình hòa giải, quy định về phân công hòa giải viên, lựa chọn địa điểm hòa giải, trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải, biên bản hòa giải, thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành... Điều này đã giúp phần bảo đảm các bên tham gia hòa giải bình đẳng, không phân biệt đối xử nam, nữ.

Tại Việt Nam, hòa giải ở cơ sở là một cơ chế giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp được sử dụng phổ biến nhất trong cộng đồng dân cư. Đa số người dân có nhu cầu được giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở, trung bình mỗi năm các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 120.000 vụ, việc; hòa giải thành 100.000 vụ việc (tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%). Hầu hết các tổ hòa giải đều có hòa giải viên là nữ. Theo số liệu năm 2021 của Bộ Tư pháp, nhiều nơi, số lượng hòa giải viên nữ chiếm tỷ lệ cao như Thành phố Hồ Chí Minh 5.039/11.819 hòa giải viên (chiếm 42.6%), Thành phố Hải Phòng 5.076/12.835 hòa giải viên (chiếm 39.5%), Thành phố Hà Nội 12.355/32.232 hòa giải viên (chiếm 38.3%), tỉnh Quảng Ninh 3.456/9.160 hòa giải viên (chiếm 37.7%)…

Trong nghiên cứu gần đây về công tác hòa giải ở cơ sở do UNDP phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Học viện Phụ nữ Việt Nam (VWA), Trung tâm Nghiên cứu Chính  sách và Phát triển (DEPOCEN) đã cho biết “khoảng 70% số người được phỏng vấn cho thấy họ hài lòng với hòa giải ở cơ sở với tổng hợp các tiêu chí đánh giá gồm thái độ làm việc, hiểu biết, tinh thần trách nhiệm v.v... của hòa giải viên” .

Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở vẫn tồn tại một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, tỷ lệ hòa giải viên nữ còn thấp
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 87.964 tổ hòa giải với 551.328 hòa giải viên ở cơ sở. Trong đó, chỉ có 156.407 hòa giải viên nữ, chiếm 28% hòa giải viên ở cơ sở. Hòa giải viên nam và hòa giải viên nữ có kinh nghiệm, nhận thức, đánh giá, cảm xúc, quan niệm… khác nhau đối với những vấn đề liên quan đến giới trong các vụ việc hòa giải. Do đó, đối với những vụ việc liên quan đến vấn đề giới do hòa giải viên nữ thực hiện hòa giải có thể có cách thức tiến hành khác với hòa giải viên nam, dẫn đến kết quả hòa giải có thể khác nhau. Chính vì vậy, đối với các vụ việc hòa giải có cả hòa giải viên nam và hòa giải viên nữ tham gia sẽ đảm bảo giải quyết tốt hơn các vấn đề giới, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của các bên.

Đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình, đặc biệt là các vụ việc bạo lực gia đình - vụ việc mà ở đó sự bất bình đẳng giới, định kiến giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em gái thường thể hiện rõ nét nhất, việc có hòa giải viên nữ tham gia hòa giải với vai trò chủ trì hoặc phối hợp với hòa giải viên nam tiến hành hòa giải thì đều tạo được tâm lý thoái mái cho nạn nhân bị bạo lực giới. Với sự nhẹ nhàng, khéo léo, kiên trì, nhẫn nại, sự đồng cảm của những người cùng giới, hòa giải viên nữ thường dễ tiếp cận, thu thập thông tin về mâu thuẫn, tranh chấp, nhất là những thông tin nhạy cảm, thầm kín, phụ nữ khó chia sẻ với người khác giới, giúp hòa giải viên có được những thông tin cần thiết, đôi khi là mấu chốt giúp giải quyết vụ việc đạt kết quả.

Thứ hai, hòa giải viên chưa được trang bị các kiến thức về giới và bình đẳng giới
Trong thực tiễn, vẫn còn tình trạng hòa giải viên thường tập trung tới mâu thuẫn, tranh chấp thay vì nhìn nhận toàn diện vấn đề chi phối hành vi của các bên như giới tính, văn hóa, tôn giáo và nhận thức về giới. Một số hòa giải viên còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm về giới khi tiến hành hòa giải. Ví dụ như sử dụng ngôn ngữ và thái độ mang tính định kiến giới khi nhắc đến phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả và chất lượng của các cuộc hòa giải, sự tín nhiệm của người dân với công tác hòa giải cũng như tới nỗ lực chung của xã hội trong việc đạt được bình đẳng giới thực chất.

Thứ ba, nhận thức về giới, bình đẳng giới của người dân nói chung và người được hòa giải nói riêng còn hạn chế
Người dân nói chung và người được hòa giải nói riêng chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về giới, bình đẳng giới và thiếu nhạy cảm giới.
Định kiến giới, phân biệt đối xử về giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như một thói quen, nếp nghĩ nhưng người dân chưa nhận thức được những điều đó sẽ dẫn đến bất bình đẳng giới giữa nam và nữ.
Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và phong tục, tập quán lạc hậu còn duy trì ở một vài nơi là một trong những nguyên nhân cản trở phụ nữ và các nhóm yếu thế tiếp cận các thông tin về quyền của bản thân và cơ hội của họ, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn khi gặp phải các mâu thuẫn, tranh chấp.
Thiếu nhận thức về bình đẳng giới có thể diễn ra trong suốt quá trình hòa giải làm hạn chế việc chủ động đưa ra quan điểm, thể hiện nhu cầu và đề đạt nguyện vọng của bản thân; chủ động đề xuất và lựa chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu và mong muốn hiện tại cho đến việc dự đoán những tác động có thể có tới  bản thân, gia đình và cộng đồng sau hòa giải. Do vậy, có thể ảnh hưởng tới thời gian và kết quả của hòa giải, thậm chí có thể khiến cho các vụ việc hòa giải kéo dài hơn dự kiến.

Thứ tư, hòa giải viên chưa chú ý đến việc xác định các vấn đề giới khi tiến hành hòa giải ở cơ sở
Khi tiếp nhận yêu cầu hòa giải, hòa giải viên thường chỉ chú ý về nội dung mâu thuẫn, tranh chấp mà chưa chú ý đến các quan hệ giới, chưa xem xét, phân tích nguyên nhân của các mâu thuẫn, tranh chấp đó từ góc độ giới như có định kiến giới hay phân biệt đối xử về giới không, có bị chi phối bởi các khuôn mẫu giới không...
Trong không ít các trường hợp, mâu thuẫn có thể phát sinh do việc thực hiện các vai trò giới mà không có sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên gia đình, nhưng hòa giải viên lại thừa nhận đó là điều bình thường, là lẽ đương nhiên (ví dụ coi việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người ốm… là của phụ nữ).

Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế trên là do trong xã hội ngày nay, đâu đó vẫn còn thiếu sự công nhận hoặc đánh giá thấp vai trò của phụ nữ khi tham gia giải quyết các tranh chấp. Đồng thời, một số phụ nữ còn tự ti, chưa mạnh dạn, chủ động, tích cực tham gia hòa giải tại cơ sở. Bên cạnh đó, chương trình bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên chưa chú trọng nhiều tới các nội dung về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em.

Đề xuất, kiến nghị
Để góp phần bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ hai, tiếp tục truyền thông, phổ biến pháp luật về giới, bình đẳng giới
Cần tiếp tục tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về giới, bình đẳng giới dưới các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ hòa giải theo hướng tăng cường hòa giải viên là nữ.
Điều này là hết sức cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp cần phối hợp chặt chẽ để giới thiệu nữ giới có đủ điều kiện tham gia hòa giải ở cơ sở.
Thứ tư, chú trọng tập huấn, bỗi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên kiến thức về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở.
Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: