Liên kết website

60 Câu hỏi – đáp, tình huống pháp luật về phòng, chống mại dâm (tiếp theo)

07/10/2013

Chủ đề 2. Xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm (20 câu)

 

Câu hỏi số 21.

Pháp luật quy định thế nào về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm?

Trả lời:

Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống mại dâm được quy định tại Điều 14 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (sau đây gọi tắt là Nghị định số 178/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:

- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Việc xử lý vi phạm tùy thuộc thẩm quyền của các ngành mà pháp luật quy định. Trường hợp các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử lý tại nơi xảy ra hành vi vi phạm.

- Việc xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm do người có thẩm quyền theo các quy định của pháp luật tiến hành.

- Một hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

- Việc xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp.

- Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm phải xử phạt đúng thẩm quyền, đối với những vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý hoặc những vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải tiến hành lập biên bản và chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền.       

 

Câu hỏi số 22.

Khi công an tiến hành kiểm tra hành chính nhà nghỉ X đã phát hiện tại hai phòng nghỉ số 201 và 212 có hai phụ nữ là Y và Z đang bán dâm cho khách. Trong đó, Y cũng chính là người đứng ra môi giới để Z bán dâm. Xin hỏi, việc xử lý hành chính các hành vi vi phạm đối với Y được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống mại dâm:

- Một hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm chỉ bị xử phạt một lần.

- Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

Như vậy, Y thực hiện hai hành vi vi phạm là bán dâm và môi giới mại dâm thì bị xử phạt cả hai hành vi vi phạm. Mức tiền phạt đối với Y là tổng mức tiền phạt của hai hành vi.

 

Câu hỏi số 23.

Xin hỏi thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm?

Trả lời:

Theo Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp trong xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm được quy định như sau:

- Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền:

+ Phạt cảnh cáo;

+ Phạt tiền tối đa nhưng không vượt quá 5.000.000 đồng;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;

- Chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền:

+ Phạt cảnh cáo;

+ Phạt tiền tối đa nhưng không vượt quá đến 50.000.000 đồng;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng ;

+ Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống mại dâm thuộc địa bàn quản lý.

- Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

+ Phạt cảnh cáo;

+ Phạt tiền tối đa đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và gấp hai lần đối với tổ chức vi phạm ;

+ Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống mại dâm thuộc địa bàn quản lý.

 

Câu hỏi số 24.

Do cha mẹ ly hôn, gia đình ly tán nên N chán đời, bỏ nhà đi lang thang. Qua Inetnet, N đã làm quen với M. Sau đó ít ngày, N đã cho M "nếm trái cấm". Để thỏa mãn nhu cầu ăn chơi, N không ngại bán dâm kiếm tiền. Trong một lần N đang bán dâm tại khách sạn thì bị công an phát hiện. Xin hỏi, hành vi bán dâm như của N sẽ bị xử lý hành chính như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 178/2004/NĐ-CP, việc xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bán dâm như N được quy định như sau:

- Người nào có hành vi bán dâm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm có tính chất đồi trụy.

- Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ từng trường hợp mà bị xử phạt hành chính theo quy định nêu trên và bị trục xuất.

 

Câu hỏi số 25.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Q đã lên thành phố lao động tự do để kiếm tiền. Ban ngày, Q lang thang tìm việc. Buổi tối, Q thường tìm gái mại dâm giá rẻ để giải quyết nhu cầu. Trong một lần mua dâm, Q đã bị công an phát hiện và bị xử phạt hành chính là 1.000.000 đồng. Xin hỏi, mức xử phạt đối với Q có đúng quy định không?

Trả lời:

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với người mua dâm được quy định tại Điều 17 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP như sau:

- Người nào có hành vi mua dâm thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Mua dâm có tính chất đồi trụy;

+ Lôi kéo, ép buộc người khác cùng mua dâm.

Như vậy, mức xử phạt đối với Q hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

 

Câu hỏi số 26.

Pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến mại dâm?

Trả lời;

Các hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm gồm:

+ Lợi dụng uy tín, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm;

+ Đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm;

+ Môi giới mại dâm nhưng không thường xuyên;

+ Góp vốn để sử dụng vào mục đích mại dâm.

Việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm được quy định tại Điều 19 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng thuộc một trong các trường hợp sau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Lợi dụng uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm;

+ Đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm;

+ Môi giới mại dâm nhưng không thường xuyên;

+ Góp vốn để sử dụng vào mục đích hoạt động mại dâm.

Người có hành vi góp vốn để sử dụng vào mục đích hoạt động mại dâm thì ngoài việc bị xử phạt tiền như nêu trên còn bị tịch thu số vốn đã góp để sử dụng vào mục đích hoạt động mại dâm.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng thuộc một trong các trường hợp sau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm;

+ Dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm.

 

Câu hỏi số 27.

Nhà hàng karaoke S mới mở cửa được gần 1 năm nhưng đã rất nổi tiếng và đông khách vì ngoài việc phục vụ khách đến ca hát, chủ nhà hàng còn bố trí các tiếp viên phục vụ khách hàng từ A đến Z, thậm chí sẵn sàng “đi tới bến” khi khách có nhu cầu. Xin hỏi, việc nhà hàng S lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mại dâm sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời;

Theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm bị xử lý như sau:

Cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm thì bị phạt tiền và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị tịch thu tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến hoạt động mại dâm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mại dâm được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh;

+ Dùng các thủ đoạn khống chế, đe dọa người mua dâm, bán dâm để cưỡng đoạt tài sản.

- Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Nhà hàng S đã sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh. Căn cứ quy định trên, nhà hàng S sẽ bị xử lý như sau:

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

+ Tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề.

 

Câu hỏi số 28.

Chị X mở một cửa hàng Spa chăm sóc sức khỏe – do chị đứng tên chủ cơ sở, trong đó có kinh doanh dịch vụ mát xa hơi cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, do chị X không quản lý chặt chẽ nên đã để một số nhân viên mát xa mồi chài khách mua bán dâm ngay tại chỗ làm việc. Vụ việc xảy ra được gần hai tháng thì bị công an phát hiện. Xin hỏi, chị X – chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để hoạt động mại dâm xảy ra ở cơ sở do mình quản lý thì bị xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chị X do thiếu tinh thần trách nhiệm để hoạt động mại dâm xảy ra ở cơ sở do mình quản lý thì sẽ bị xử phạt hành chính (trường hợp này chưa có hậu quả nghiêm trọng).

 Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP là từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, các cá nhân có hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề.

 

Câu hỏi số 29.

Tôi được biết, Chính phủ đã ban hành văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, trong đó có xử phạt hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm. Xin cho biết tên văn bản, mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm được quy định trong văn bản?

Trả lời:

Ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73//2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, trong đó có Điều 22 quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi mại dâm và liên quan đến hoạt động mại dâm. Nội dung Điều 22 quy định như sau:

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi lạm dụng tình dục.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mại dâm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Dẫn dắt hoạt động mại dâm;

+ Che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Tái phạm việc mua dâm, bán dâm hoặc che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm;

+ Dùng các thủ đoạn khống chế, đe dọa người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm nêu trên còn bị xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số tiền do vi phạm mà có.

- Các hành vi vi phạm khác về phòng, chống mại dâm thì bị xử lý theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm.

 

Câu hỏi số 30.

Mặc dù đã bị xử phạt hành chính một lần về hành vi bán dâm cho khách song do bản chất đua đòi, muốn có nhiều tiền để ăn chơi nên K vẫn tiếp tục bán dâm. Khi K và người nước ngoài đang thực hiện hành vi mua bán dâm tại một khách sạn thì bị công an phát hiện và lập biên bản xử lý. Xin hỏi, mức xử phạt đối với K được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 4 Điều 22 Nghị định Nghị định số 73//2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, việc xử phạt đối với hành vi mại dâm và liên quan đến hoạt động mại dâm quy định như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Tái phạm việc mua dâm, bán dâm hoặc che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm;

+ Dùng các thủ đoạn khống chế, đe dọa người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản.

K đã bị xử phạt vi phạm hành chính một lần về hành vi bán dâm nên hành vi bán dâm lần này của K được coi là tái phạm, vì vậy, K sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 22 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP như đã nêu ở trên với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

 

Câu hỏi số 31.

Bà X có một dãy nhà trọ cho thuê ở với giá bình dân. Đầu năm, có hai phụ nữ tầm 25, 30 tuổi tự xưng là hai chị em ruột đến thuê hai phòng trọ. Cả hai đều không có nghề nghiệp gì ổn định. Ban ngày họ ngủ còn ban đêm đi bán dâm. Nhiều hôm hai người còn đưa khách về phòng trọ để mua bán dâm tại chỗ. Dần dần, Bà X cũng biết được việc làm của hai người  đó. Song bà lờ đi, coi như không hay biết gì. Một lần  công an phường bất ngờ kiểm tra hành chính đã phát hiện một trong hai phụ nữ trên đang bán dâm tại nhà trọ của bà X. Xin hỏi, bà X - chủ nhà trọ - có bị xử phạt hay không?

Trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mại dâm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

+ Dẫn dắt hoạt động mại dâm;

+ Che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm.

Như vậy, bà X biết việc những người thuê nhà của mình có hành vi bán dâm tại nơi ở trọ nhưng đã lờ đi không nhắc nhở, không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đã vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP về che dấu cho các hành vi mua dâm, bán dâm và sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

 

Câu hỏi số 32.

Qua báo chí, tôi thấy có thông tin ông M, một cán bộ của một Sở T có hành vi mua dâm bị phát hiện. Tôi muốn hỏi, việc xử lý đối với cán bộ hay công chức vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm có khác với người dân không? Pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm?

Trả lời:

Việc xử lý đối với cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được quy định tại Điều 27 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm như sau:

- Người có hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (mua dâm; bán dâm; có hành vi liên quan đến mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; phổ biến, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm có nội dung và hình thức khiêu dâm…) là cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định chung còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật.

- Cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì trong thời gian bị xử lý kỷ luật không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước hoặc trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Quy định chi tiết hơn về nội dung này, Điều 22 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP chỉ rõ:

- Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thì ngoài việc bị phạt tiền như quy định còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để xử lý kỷ luật.

- Các cơ quan chức năng khi phát hiện người có hành vi vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì phải thông báo ngay cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi vi phạm thì phải thông báo cho người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để xem xét và quyết định hình thức kỷ luật.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của người có hành vi vi phạm phải thực hiện việc xử lý kỷ luật đối với người vi phạm và tổ chức quản lý, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn người đó tái phạm.

Người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệnh kỷ luật của lực lượng vũ trang.

 

Câu hỏi số 33.

Gần đây, anh T -  công an khu vực H đã nhận được nhiều tin quần chúng tố giác nhà hàng karaoke M nằm trên địa bàn mình quản lý có nhiều hoạt động mờ ám. Tiếp viên nhà hàng đã công khai mồi chài khách bằng các dịch vụ “sung sướng” và có hoạt động mua bán dâm song anh T lại dung túng, bao che, không xử lý. Khi quần chúng trên địa bàn phản ánh lên cơ quan công an cấp trên thì mới dẹp được cửa hàng karaoke này. Xin hỏi pháp luật xử lý thế nào đối với anh T?

Trả lời:

Anh T là công an khu vực, là người có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống mại dâm trong phạm vi địa bàn quản lý, đã có hành vi dung túng, bao che, không xử lý kịp thời đối với hoạt động mại dâm xảy ra trên địa bàn nên anh T có thể bị xử lý theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP.

Điều 23 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mại dâm như sau: Người có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống mại dâm mà có hành vi bảo kê mại dâm, dung túng, bao che hoặc không xử lý kịp thời để cho hoạt động mại dâm xảy ra trên địa bàn quản lý mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức phải bị chuyển làm công tác khác.

 

Câu hỏi số 34.

Xin hỏi, pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý đối với người có hành vi bao che hoặc không kịp thời xử lý kỷ luật người vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm?

Trả lời:

Việc xử lý đối với người có hành vi bao che hoặc không kịp thời xử lý kỷ luật người vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được quy định rõ tại Điều 24 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP như sau:

Người có chức vụ, quyền hạn có hành vi bao che hoặc không kịp thời xử lý kỷ luật người thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi mại dâm, liên quan đến hoạt động mại dâm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Người thuộc lực lượng vũ trang có hành vi vi phạm nêu trên thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệnh kỷ luật của lực lượng vũ trang.

 

Câu hỏi số 35.

Xin hỏi hành vi nhân bản phim có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực  bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời:

Phim có nội dung đồi trụy là phim có sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh về lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Hành vi nhân bản phim có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Nhân bản phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ hoặc cấm phổ biến;

+ Nhân bản phim có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực;

+ Tàng trữ nhằm lưu hành phim có nội dung cấm phổ biến với số lượng trên 100 phim trở lên;

- Ngoài ra, các hành vi vi phạm này còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm và tịch thu phương tiện vi phạm.

 

Câu hỏi số 36.

Đề nghị cho biết quy định của pháp luật về mức xử phạt như thế nào đối với các hành vi phổ biến, tàng trữ băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung phản động, đồi trụy hoặc nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực tại nơi công cộng?

Trả lời:

Mức xử phạt đối với các hành vi phổ biến, tàng trữ băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung phản động, đồi trụy hoặc nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực tại nơi công cộng được quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa như sau:

- Phạt tiền từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Tàng trữ, phổ biến trái phép băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thuộc loại cấm phổ biến với số lượng dưới 20 bản;

+ Tàng trữ, phổ biến trái phép băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thuộc loại nhân bản lậu với số lượng từ 50 bản đến dưới 100 bản;

+ Phổ biến băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực tại nơi công cộng;

+ Phát hành băng, đĩa ca nhạc, sân khấu mà không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn không đúng nội dung băng, đĩa được phép phát hành với số lượng dưới 300 bản.

- Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Tàng trữ băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thuộc loại cấm phổ biến với số lượng từ 20 bản đến dưới 100 bản;

+ Tàng trữ trái phép băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thuộc loại nhân bản lậu với số lượng từ 100 bản đến dưới 300 bản;

+ Tàng trữ, phổ biến băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có nội dung phản động, đồi trụy;

+ Phát hành băng, đĩa ca nhạc sân khấu mà không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn không đúng nội dung băng, đĩa được phép phát hành với số lượng từ 300 bản trở lên;

+ Tàng trữ trái phép băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thuộc loại chưa được phép lưu hành với số lượng từ 50 bản đến dưới 300 bản.

- Ngoài ra, việc phạt tiền những cá nhân, tổ chức có hành vi này còn bị xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

 

Câu hỏi số 37.

Anh V là chủ một cửa hàng Internet ở gần một trường phổ thông trung học để thu hút nhiều học sinh đến chơi điện tử nhằm tăng doanh thu cho cửa hàng. Anh V đã cài đặt nhiều trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực và có nội dung độc hại khác đối với lứa tuổi học sinh. Xin hỏi hành vi của anh V khi bị phát hiện sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, các hành vi vi phạm các quy định về sản xuất, lưu hành băng, đĩa trò chơi điện tử sẽ bị xử lý với các hình thức cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Tổ chức trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực hoặc có nội dung độc hại khác;

+ Bán, cho thuê băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực hoặc có nội dung độc hại khác;

+ Nhập khẩu máy, băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, phản động đồi trụy hoặc các nội dung độc hại khác.

- Ngoài ra, hành vi vi phạm này còn bị xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

Chiếu theo quy định trên, V có hành vi tổ chức trò chơi điện tử có nội dung  khiêu dâm, kích động bạo lực hoặc có nội dung độc hại khác, vì thế, khi bị phát hiện V có thể bị xử phạt với mức tiền phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

 

Câu hỏi số 38.

T và H vừa tới cổng trường thì gặp một người đàn ông lạ mặt mang theo nhiều băng đĩa hình mời chào hai bạn mua với lời quảng cáo: đây là các băng, đĩa hình trò chơi điện tử có nội dung rất hay, thú vị với học sinh mà giá bán lại rẻ. H tò mò nên đã mua về xem. H thấy các đĩa hình có nội dung phản động, đồi trụy nên kể chuyện với T. T khuyên H lần sau không nên mua các băng đĩa có nội dung này và cho rằng hành vi của người đàn ông đó là vi phạm pháp luật. Xin hỏi ý kiến của T có đúng hay không?

Trả lời:

Ý kiến của T hoàn toàn chính xác.

Hành vi của người đàn ông bán băng đĩa đã vi phạm các quy định về sản xuất, lưu hành băng, đĩa trò chơi điện tử là bán, cho thuê băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung phản động, đồi trụy. Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, mức phạt đối với hành vi này là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

  Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

 

Câu hỏi số 39.

Do giỏi công nghệ thông tin C đã lên mạng mày mò tìm kiếm nhiều tranh, ảnh có nội dung không lành mạnh, trong đó có một số tranh, ảnh có nội dung đồi trụy, khiêu dâm rồi cho mấy bạn trai cùng lớp xem và bình phẩm. Thấy có nhiều bạn ở các lớp khác cũng tò mò muốn xem, C có ý định in ra và bán các tranh, ảnh đó để kiếm tiền. Biết ý định của C, B đã ngăn lại vì theo B,  đó là việc làm trái pháp luật. Xin hỏi, ý kiến của B có chính xác hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, hành vi bán tranh, ảnh có nội dung đồi trụy, khiêu dâm là hành vi vi phạm các quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, bị xử phạt với mức tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm này còn bị xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

Vì vậy, ý kiến của B hoàn toàn đúng với các quy định pháp luật.

 

Câu hỏi số 40.

Đề nghị cho biết mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định cấm đối với hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hóa tại cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, dịch vụ công cộng?

Trả lời:

Điều 23 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm các quy định cấm đối với hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hóa tại cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, dịch vụ công cộng như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi treo, trưng bày tranh, ảnh có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, kích động bạo lực tại cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, nơi công cộng khác.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, giải khát, cơ sở kinh doanh dịch vụ khác.

Ngoài ra, các hành vi vi phạm nêu trên còn bị hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

Các tin đã đưa ngày: