Liên kết website

Cần nâng cao năng lực, trình độ của các hòa giải viên trong hòa giải vụ việc bạo lực gia đình

25/08/2022

Sáng ngày 24/8/2022, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam và hơn 60 đại biểu đại diện các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các cơ quan của Quốc hội, các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau hơn 14 năm thi hành đã có tác động tích cực trong đời sống; nhận thức của xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình được nâng lên. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn. Theo số liệu điều tra năm 2019, vẫn còn tới 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng trước lúc điều tra và cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục; 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an…. 
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội. Hiện nay, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá chỉnh lý sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 10/2022. Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 06 chương, 56 điều, kế thừa những nội dung còn giá trị thực tiễn của luật hiện hành và có những quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được soạn thảo dựa trên cách tiếp cận quyền con người, lấy người bị bạo lực là trung tâm, kết hợp kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực của các thể chế nhà nước, đồng thời cũng đưa ra những quy định mới về biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng của người có hành vi bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình cũng như sự phối hợp liên ngành của các cơ quan, đoàn thể trong phòng, chống bạo lực gia đình…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, thảo luận tập trung vào 04 nhóm vấn đề: (i) Bảo đảm bình đẳng giới trong dự thảo văn bản luật; (ii) Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; (iii) Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; (iv) Xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Tham luận tại Hội nghị đề xuất nhằm đảm bảo hiệu quả công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng có rất nhiều phương thức phòng ngừa bạo lực gia đình, trong đó, hòa giải ở cơ sở là một hình thức, một giải pháp phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả hành vi bạo lực gia đình. Hàng năm, các Tổ hòa giải trong cả nước hòa giải thành bình quân hơn 80% vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải, qua đó tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân. Để nâng cao chất lượng hòa giải nói chung và hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo các quy định của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có tính khả thi, ông Phan Hồng Nguyên đã đề nghị rà soát, chỉnh sửa về thẩm quyền cơ quan tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên của Tổ hòa giải ở cơ sở để thống nhất với Luật Hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, sự vào cuộc của luật gia, công an cấp xã trong hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình thuộc phạm vi hòa giải; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong phòng, chống bạo lực gia đình (phân bổ kinh phí, giám sát việc thực hiện pháp luật về bạo lực gia đình)…

Kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đánh giá cao các ý kiến, giúp cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục đánh giá tính phù hợp của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của các quy định liên quan đến bình đẳng giới, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trong phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Hội nghị là hình thức truyền thông dự thảo chính sách từ sớm, từ xa nhằm giúp cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tạo đồng thuận xã hội, tính khả thi của Luật sau khi được ban hành, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp./.
Nguyễn Kim Thoa
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: