Liên kết website

Đối thoại chính sách pháp luật với nhân dân

23/12/2016

Những năm qua, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã có sự quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc và đào tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng, kinh nghiệm để kịp thời đưa các quy định của pháp luật khô khan đến với người dân một cách dễ dàng nhất.

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Tam Kỳ đã triển khai sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các hội nghị tập trung ở thành phố, xã, phường, Phòng Tư pháp cũng đã tham mưu Hội đồng phối hợp cử báo cáo viên của thành phố xuống tận thôn, khối phố để triển khai hàng trăm buổi tuyên truyền các văn bản luật cho bà con. Ngoài ra, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng như: in tờ gấp, đề cương tuyên truyền, trang bị sách pháp luật, tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, đối thoại chính sách pháp luật, chiếu phim, tuyên truyền kết hợp với hoạt động xét xử lưu động, hòa giải cơ sở, café sách pháp luật, biên soạn Bản tin pháp luật, thực hiện "Mỗi tuần một điều luật", tổ chức các hội thi,... đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Một trong những hoạt động đang được triển khai có hiệu quả, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cấp là đối thoại trực tiếp để giải thích những vướng mắc của nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đây là hình thức được nghiên cứu vận dụng chuyển thể từ hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động. Thay vì tổ chức các hội nghị trợ giúp những đối tượng được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý, Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ đã tổ chức các buổi đối thoại pháp luật với Nhân dân, không hạn chế đối tượng, bất kỳ ai có nhu cầu, vướng mắc về pháp luật cần được trao đổi, giải đáp đều được tham dự.
Từ năm 2014 đến nay, thành phố Tam Kỳ đã tổ chức hơn 87 cuộc đối thoại trực tiếp các chính sách pháp luật với Nhân dân của 13 xã, phường và các thôn, khối phố. Qua các buổi đối thoại, các ý kiến tập trung vào các vấn đề về chính sách pháp luật đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, người có công, hộ tịch, hộ khẩu… đã thu hút được đông đảo người dân đến tham gia. Tại buổi đối thoại có đầy đủ đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của thành phố và xã, phường để có thể trả lời ngay các câu hỏi, vướng mắc pháp luật của bà con. Đến dự các cuộc đối thoại người dân thật sự được chia sẻ, giải thích đến nơi đến chốn những vướng mắc trong chính sách pháp luật.
Điển hình là trường hợp ông Trương Kỉnh, sinh năm 1921 (95 tuổi), hiện trú tại khối phố Đông An, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1947, ông tham gia bộ đội tại Đại đội 3, Trung đoàn 108, Quân khu 5. Vào tháng 2/1964, trong khi đi cảnh giới tại xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam thì bị địch bắn bị thương phải điều trị tại Ban cứu thương xã. Lần thứ 2 vào tháng 6/1965, khi được đ/c Nguyễn Hồng (Trung đội trưởng trung đội du kích xã) giao nhiệm vụ cảnh giới đường đi từ cầu đá dựng thôn Đông Yên đến thôn Khánh Tịnh, khi đến cầu đá dựng thì bị địch phục kích bắt và giam tại nhà giam Quảng Tín. Sau đó, ông bị địch tra tấn bắn vào gót bàn chân trái. Vì không có hồ sơ gốc nên qua nhiều năm ông không được xác lập hồ sơ giải quyết chế độ thương binh (dù có vết thương thực thể). Nhân buổi đối thoại chính sách pháp luật với Nhân dân, lãnh đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Tam Kỳ đã hướng dẫn cụ thể, giúp ông Kỉnh hưởng chế độ thương binh theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 về hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Với các vết thương thực thể: vết thương hình nan hoa ở 1/3 giữa mặt sau cẳng chân trái, đường kính vết thương 2cm; 01 vết thương ở mặt ngang gót bàn chân trái có sẹo lõm dài 8cm, mất chức năng gấp duỗi bàn chân, kết quả giám định ông Kỉnh có tỉ lệ thương tật là 31% và hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hình thức này là cách phát huy hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động. Trong các buổi đối thoại chính sách pháp luật, do đối tượng tham gia đông, câu hỏi đặt ra nhiều, thuộc mọi lĩnh vực và yêu cầu phải trả lời ngay, nên đòi hỏi người tham gia đối thoại để giải đáp cho bà con phải có sự chuẩn bị tốt, nắm vững quy định của pháp luật để trả lời.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ - Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố cho biết "Đối thoại chính sách pháp luật với nhân dân là một cách làm hiệu quả, thành phố nhận được nhiều tín hiệu vui từ phía nhân dân qua việc tổ chức thực hiện hình thức tuyên truyền pháp luật này. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng mô hình hiệu quả nói trên".
Từ kết quả các cuộc đối thoại trực tiếp cho thấy, đây thực sự là cầu nối để nhân dân được tiếp cận và trực tiếp bày tỏ với người đứng đầu các ngành chức năng có liên quan về những tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đây cũng chính là giải pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả, thiết thực, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào các cấp chính quyền ở địa phương./.
Thúy Sương
Các tin đã đưa ngày: