Liên kết website

Thừa Thiên Huế tổ chức Tọa đàm bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

03/08/2017

Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế tổ chức Tọa đàm về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Tọa đàm có sự tham gia của 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế và công chức Tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn. Đồng chí Phan Văn Quả - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Tọa đàm.

Theo đánh giá của các cơ quan, địa phương, thời gian qua, hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào việc hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, đồng thời phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, đặc biệt là trong vấn đề ma chay, cưới hỏi, dân số, môi trường, khuyến học. Hương ước, quy ước phát huy hiệu quả là trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” và xây dựng nông thôn mới.  
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện các ngành, địa phương tham gia Tọa đàm cũng nhìn nhận công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước có lúc, có nơi còn hạn chế. Chất lượng của hương ước, quy ước chưa cao, cá biệt có nơi còn coi việc xây dựng hương ước, quy ước để hoàn thành tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng. Có những hương ước, quy ước sơ sài về nội dung, sao chép, chưa thể hiện đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa riêng của địa phương. Nội dung hương ước, quy ước thiếu thiết thực, không cụ thể hoặc chưa phù hợp với các quy định pháp luật.  
Về hình thức, kỹ thuật soạn thảo, trình tự thủ tục xây dựng, ban hành hương ước, quy ước có lúc chưa theo quy định. Công tác thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước của một số địa phương còn chậm, chưa bảo đảm chất lượng. Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thiếu chủ động tham mưu, đề xuất việc rà soát, phát hiện, sửa đổi hương ước, quy ước khi xảy ra tình trạng vi phạm, không còn phù hợp hoặc bổ sung những vấn đề, nội dung mới để đảm bảo yêu cầu thực tiễn.
Trong thực hiện hương ước, quy ước, vẫn còn tình trạng vi phạm. Việc cưới, việc tang và lễ hội có nơi thực hiện chưa đảm bảo, đám tang còn để dài ngày, sử dụng hệ thống âm thanh trong việc cưới, việc tang vượt mức quy định; tình trạng đốt, thả vàng mã trong tang lễ còn phổ biến gây ô nhiễm môi trường.  Một số nơi, người dân còn thờ ơ với hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Việc giám sát, tuyên truyền, chấn chỉnh trường hợp vi phạm hương ước, quy ước chưa thực hiện triệt để, thiếu thường xuyên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, như: Thể chế trong công tác này chưa hoàn thiện; nhận thức một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vài trò của công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hương ước, quy ước thiếu hiệu quả; kinh phí cho công tác này chưa được bảo đảm…
Từ thực tiễn đó, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động để lãnh đạo các cấp chính quyền hiểu rõ, đầy đủ vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Từ đó có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Sở Tư pháp và các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng.
Đẩy mạnh công tác phổ biến và triển khai thực hiện hương ước, quy ước bằng nhiều biện pháp, như: Hương ước, quy ước sau khi ban hành có thể sao thành nhiều bản cấp phát cho các hộ gia đình; hàng năm đến ngày có việc làng, tế lễ, hội hè mang ra đọc cho toàn dân trong thôn, Tổ dân phố nghe. Hương ước, quy ước phải được sử dụng hàng ngày để điều chỉnh các mối quan hệ và tình huống phát sinh, qua đó có những bất cập trong hương ước, quy ước được phát hiện và nhanh chóng điều chỉnh. Có cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Ban điều hành làng (thôn, bản), tổ dân phố văn hóa trong việc đưa quy ước văn hóa đi vào cuộc sống.  
Vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc nội dung của hương ước, quy ước. Gắn việc thực hiện hương ước, quy ước với việc bình chọn gia đình văn hóa, thôn, khối phố văn hóa. Hằng năm, nhân “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư (18/11), Mặt trận phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, bản, tổ dân phố. Đồng thời có sự khen thưởng, động viên kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện hương ước, quy ước, cũng như phê bình, nhắc nhở đối với tổ chức, cá nhân chưa gương mẫu thực hiện. Hướng dẫn người dân góp ý, xây dựng ngày càng hoàn thiện các bản hương ước, quy ước…
 
Nguyễn Thị Đào
Các tin đã đưa ngày: