Liên kết website

Bắc Ninh tăng cường phối hợp giữa ngành Tư pháp và Tòa án trong công tác PBGDPL và HGOCS giai đoạn 2019-2023

24/05/2019

Ngày 23/5/2019, đồng chí Hồ Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp và đồng chí Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ký Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2023 giữa Ngành Tư pháp và Ngành Tòa án trên địa bàn tỉnh.

Chương trình phối hợp được ký kết giữa hai ngành nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành, phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh và nguồn lực sẵn có, nâng cao trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vị trí vai trò của hai ngành trong việc tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2023, hai ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phối hợp để thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ:
Thứ nhất, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản, chương trình, đề án liên quan đến thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Xác định nội dung pháp luật phổ biến gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành; phổ biến sâu rộng Hiến pháp, các Luật, Pháp lệnh mới ban hành, các văn bản pháp luật liên quan tới quyền, nghĩa vụ của người dân, công chức, viên chức, doanh nghiệp; lựa chọn các hình thức phổ biến phù hợp với đối tượng được phổ biến chú trọng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh. Triển khai có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021; Các Đề án PBGDPL đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức có hiệu quả “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hàng năm. Phát huy đầy đủ vai trò của Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục tỉnh và Hội đồng cấp huyện; phối hợp xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả đội ngũ Báo cáo viên pháp luật đang công tác tại ngành Tòa án và huy động đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và điều kiện của mỗi ngành...
Thứ hai, phối hợp trong công tác hòa giải cơ sở:  Phổ biến về công tác hòa giải ở cơ sở, phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hòa giải và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; nghiên cứu, xây dựng các tài liệu nghiệp vụ về hòa giải tranh chấp dân sự và các tài liệu hướng dẫn quy trình, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng về hòa giải, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi người bị hại tự nguyện hòa giải và các biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kiến thức pháp luật về hòa giải và đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ Hòa giải viên ở cơ sở; giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải thuộc lĩnh vực quản lý của mỗi ngành...
Thứ ba, về trách nhiệm của mỗi ngành và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp:
Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tòa án dân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp.  Hướng dẫn cơ quan Tư pháp các cấp tăng cường phối hợp, huy động đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của Tòa án nhân dân các cấp tích cực tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Cử Báo cáo viên pháp luật tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện hoạt động hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cho đội ngũ Hòa giải viên tại cơ sở; Phối hợp triển khai sử dụng các kênh thông tin, truyền thông có hiệu quả của hai ngành; có giải pháp thực hiện việc kết nối thông tin thông suốt, đồng bộ trên cơ sở tận dụng nguồn lực sẵn có, gắn với triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021” .
Tòa án nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện các nội dung phối hợp quy định tại Chương trình. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện thông tin, truyền thông về những lĩnh vực, vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình thực thi pháp luật; thực hiện phổ biến rộng rãi các án lệ sau khi được Tòa án nhân dân tối cao công bố. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như việc thực hiện quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong nội bộ hệ thống Tòa án nhân dân của tỉnh...
Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp và Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh được giao là đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ thường trực tham mưu triển khai thực hiện Chương trình, có trách nhiệm tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả và kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo hai ngành trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết Chương trình phối hợp./.
Nguyễn Văn Đại, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh
Các tin đã đưa ngày: