Liên kết website

Nhìn lại công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

02/07/2019

Từ trước đến nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được đánh giá có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Nhận thức được tầm quan trọng đó, để triển khai kịp thời , hiệu quả và đồng bộ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 03/01/2019 ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà và các Kế hoạch triển khai các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật; các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Tỉnh Khánh Hòa đã luôn chú trọng việc kiện toàn, củng cố tổ chức của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, đảm bảo về số lượng và thành phần đúng định của Luật PBGDPL và văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể hiện nay Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh có 37 thành viên, Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố có 205 thành viên. Trong thời gian qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã kịp thời tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL năm 2019, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn. Đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật tỉnh hiện có 1.501, trong đó có 254 Báo cáo viên pháp luật và 1.247 Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hầu hết các Báo cáo viên và Tuyên truyền viên pháp luật đều đáp ứng tiêu chuẩn quy định và được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 1.182 đợt phổ biến, giáo dục pháp luật thu hút gần 127.270  lượt người tham dự, 01 Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới cho hơn 180 đại biểu là cán bộ chủ chốt của tỉnh. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013, những văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà có thẩm quyền khác ban hành, trong đó chú trọng tuyên truyền các Luật, Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Công an nhân dân, Luật Đặc xá, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Cảnh sát biển, Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Nghị quyết miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các chủ trương, quan điểm, chính sách, văn bản về cải cách hành chính, bao gồm các quy định liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp
Công tác PBGDL thông qua phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Khánh Hòa do Sở Tư pháp phụ trách đã đăng tải 125 tin bài về pháp luật được nhiều bạn đọc truy cập để tìm hiểu các thông tin pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh, truyền hình tại cấp huyện và cơ sở đã thực hiện phát sóng hơn 10.944 lượt các bản tin, thông tin tuyên truyền PBGDPL, trong đó, một số đơn vị đạt kết quả cao như: huyện Vạn Ninh với hơn 3.432 lượt phát thanh; thị xã Ninh Hòa với 2.453 lượt phát thanh; huyện Khánh Vĩnh với 2.010 lượt phát thanh; huyện Cam Lâm với 680 tin, 146 bài; thành phố Cam Ranh với 800 lần phát sóng; huyện Diên Khánh với 555 lần phát sóng (97 giờ).
Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tổ chức 06 lớp tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội,… cho hơn 290 lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với hơn 45 lượt người tại xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 34 lớp tập huấn, 187 buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, thu hút hơn 17.220 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ  chức 24 buổi tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường tuyến biển, loa truyền thanh nội bộ tại đơn vị cơ sở. Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã trợ giúp pháp lý cho 14 đối tượng thuộc diện nghèo, 04 đối tượng là người dân tộc, 04 đối tượng là người khuyết tật, 02 đối tượng là người có công, 06 đối tượng là trẻ em.
Về công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, trường học, UBND cấp huyện cho đến cơ sở đã nhận thức được tầm quan trọng và hiểu quả thiết thực của việc xây dựng Tủ sách pháp luật. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Khánh Hoà đều bố trí Tủ sách pháp luật đặt ở phòng truyền thống của cơ quan, đơn vị; Kết quả thực hiện tiêu biểu tại một số địa phương như thị xã Ninh Hòa với 446 tủ sách bao gồm: Xã, phường là 211 tủ sách với 29.503 đầu sách và tài liệu các loại; các cơ quan hành chính, đơn vị, trường học, đồn biên phòng là 150 tủ sách với 96.23100 đầu sách và tài liệu; các điểm bưu điện trên địa bàn thị xã có 27 tủ sách; 100% thôn, tổ dân phố được xây dựng ngăn sách, túi sách; 83 trường học xây dựng tủ sách, ngăn sách pháp luật. Toàn thị xã đã bổ sung thêm 887 đầu sách, tài liệu mới các loại; huyện Vạn Ninh có 160 tủ sách pháp luật, hơn 50.000 đầu sách các loại và gần 250.000 lượt người đọc và mượn sách.
Về công tác hòa giải ở cơ sở, đến nay, toàn tỉnh Khánh Hoà có 1.010 Tổ hòa giải với 5.476 Hòa giải viên. Các Tổ hòa giải ở cơ sở đều được kiện toàn, cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn - đây là điều kiện thuận lợi cho việc lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Do đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở với chất lượng hòa giải ngày càng được nâng lên rõ rệt, đã góp phần giữ gìn khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Các Tổ hoà giải thông qua việc hòa giải đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến nhân dân sâu rộng và toàn diện.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 cũng đã được chú trọng. Ngày 02/4/2019, UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành Kế hoạch số 2977/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hoà đã công nhận 118/137 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (không tính 03 xã thuộc huyện Trường Sa); 13 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; 13/13 xã đăng ký đã tiến hành rà soát tình hình thực hiện tiêu chí 18.5 về chuẩn tiếp cận pháp luật.     Tóm lại, công tác PBGDPL 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao nhận thức, ngăn chặn làm hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nhà./.
Ngô Thị Thanh Thơ
Các tin đã đưa ngày: